Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 96.000 ca mắc SXH, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018 và đã có 11 ca tử vong.
Các tỉnh có số ca mắc SXH nhiều nhất là TP.HCM với hơn 27.000 ca (5 ca tử vong), tiếp theo là Khánh Hòa gần 6.800 ca (1 ca tử vong), Đồng Nai gần 5.600 ca, Bình Dương gần 5.000 ca (1 ca tử vong)... Qua phân lập tuýp vi rút gây bệnh (D1, D2, D3 và D4) cho thấy rõ tuýp D2 chiếm đến 50%, tiếp theo là tuýp D1 chiếm 27%.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, năm nào xuất hiện bệnh nhân mắc SXH tuýp D2 nhiều thì năm đó số ca bệnh sẽ tăng và nặng. Do vậy, Cục đề nghị các tỉnh tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về dấu hiệu bệnh nặng SXH. Nếu cơ sở y tế nhận thấy trẻ bệnh nặng, quá khả năng điều trị thì chuyển tuyến trên, tuy nhiên nếu đánh giá sẽ nguy hiểm trên đường chuyển viện thì phải tham vấn tuyến trên để đều trị tại chỗ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá dịch SXH gia tăng, nguy cơ lan rộng, nhất là khu vực miền Trung và Tây nguyên. Bộ trưởng chỉ đạo, ngành y tế ưu tiên số 1 là giám sát dịch bệnh; có hệ thống báo cáo ca bệnh tốt; có số liệu dự báo số ca mắc trung bình, số ca tử vong hằng năm, tuýp vi rút lưu hành cao để chuẩn bị nhân, vật lực chống dịch. Xác định ổ dịch nhỏ, lớn để xử lý, diệt lăng quăng và phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.
Theo Bộ trưởng, phải giảm tối đa số ca tử vong trên số ca sốc do SXH. Bộ trưởng cũng yêu cầu các sở y tế tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức ngay chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi.
Bình luận (0)