Hỏng mí, mù mắt vì làm đẹp ở spa chui

27/08/2018 08:50 GMT+7

Gần đây, có hàng chục trường hợp phải nhập viện xử lý hậu quả do đi làm đẹp tại các thẩm mỹ viện, spa, thậm chí có trường hợp mù cả mắt, nhưng xem ra con số nạn nhân chưa dừng lại.

Hai trường hợp chịu hậu quả nặng nề gần đây đều do tiêm filler vào mũi dẫn đến bị mù. Trường hợp đầu tiên nạn nhân đã kiện chủ spa ra Tòa án quận 6, được thương lượng bồi thường tổng cộng khoảng 400 triệu đồng hồi đầu năm 2018. Nạn nhân thứ 2 mới đây đã tố cáo đến các cơ quan chức năng Q.4 về việc chủ spa tiêm filler làm đầy mũi khiến chị bị hỏng mắt.
Tin lời quảng cáo trên mạng xã hội
Cụ thể, theo đơn của chị N.T.C.D (30 tuổi) và em gái là N.T.B.N (26 tuổi, cùng ngụ H.Củ Chi, TP.HCM), khi thấy quảng cáo trên mạng xã hội, ngày 16.7 chị cùng em gái tìm đến spa TN - Beauty clinic Spa (phòng 621, lô H3, tầng 6, chung cư 384 Hoàng Diệu, P.6, Q.4) do Nguyễn Thị Thùy Trang làm chủ để sử dụng dịch vụ của spa này.
Tại đây, chị N. được bà Trang cắt mí giá 1 triệu đồng, còn chị D. được bà Trang tiêm filler (loại hyaluronic acid) vào mũi với giá 2 triệu đồng. Sau khi tiêm được 5 phút, chị D. đau nhức dữ dội vùng mắt lan lên vùng trán, mờ mắt trái, không mở được mắt, đau đầu, nôn ói, nên được đưa đến Bệnh viện (BV) quận 4 để điều trị. Tại đây, bà Trang nói dối bác sĩ (BS) rằng chỉ mới tiêm thuốc tê chứ chưa tiêm filler cho chị D. Sau đó, chị D. được chuyển qua BV Nhân dân 115, BV Trưng Vương điều trị.
Tiêm filler sai gây tai biến Ảnh: Viện Da liễu T.Ư cung cấp
Tiêm filler sai gây tai biến Ảnh: Viện Da liễu T.Ư cung cấp

Theo kết luận của BS BV Trưng Vương, chị D. bị tắc động mạch mắt trái do tiêm filler nên không nhìn thấy, ảnh hưởng đến thần kinh trung ương... Riêng chị N., sau khi được bà Trang cắt mí cũng phải đến BV Trưng Vương để khám nhấn lại mí mắt hết 10 triệu đồng, do mí mắt không đều, sụp mí mắt phải.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chị D. cho biết sau khi xảy ra sự việc, bà Trang hẹn một tuần sau chị xuất viện sẽ gặp và bồi thường 400 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn (9.8) bà Trang không đến.
Liên quan đến vụ việc, Thanh tra Sở Y tế TP phối hợp ngành chức năng Q.4 đã kiểm tra đột xuất spa trên. Thời điểm kiểm tra, cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Đoàn kiểm tra còn phát hiện một số thuốc, dụng cụ y tế chưa xuất trình hóa đơn và chưa cung cấp được nguồn gốc các loại thuốc.
Làm bất chấp vì tiền
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết, theo quy định, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (thẩm mỹ viện - TMV; spa) không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự.
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại BV có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có chuyên khoa thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. “Như vậy các TMV, spa có tiêm filler hoặc can thiệp làm xâm hại đến sức khỏe là không được phép làm. Bản thân những nơi này không có giấy phép hoạt động KCB”, bà Mai khẳng định.
Thế nhưng trong thực tế, nhiều chủ TMV, spa vẫn bất chấp quy định, làm phẫu thuật thẩm mỹ để thu lợi bất chính. Một cán bộ Phòng Y tế quận Thủ Đức phân tích: “Các TMV, spa mở ra kiêm tiêm chích filler, cắt mí là do thị hiếu, nhu cầu làm đẹp của chị em. Các cơ sở này như “điếc không sợ súng”, không biết về tai biến, hậu quả, chỉ thấy có tiền là làm thôi!”. Còn theo đại diện Phòng Y tế quận Tân Bình, gần đây quận đồng loạt kiểm tra hơn 50 spa (có đăng ký kinh doanh) ở 15 phường và phát hiện một số cơ sở làm ngoài phạm vi chuyên môn là xăm mi mắt...
Theo BS Mai, mới đây Sở Y tế đã họp với các quận, huyện liên quan đến các cơ sở spa, TMV, KCB. “Các quận huyện giải thích là không phải họ buông lỏng quản lý mà theo luật doanh nghiệp quy định trước khi đi kiểm tra phải báo trước cho doanh nghiệp nên tỷ lệ phát hiện sai phạm rất ít. Do đó cần thiết có những đoàn thanh kiểm tra đột xuất”, bà Mai nói và cho biết Sở đã giao trách nhiệm cho y tế quận, huyện. Quận huyện nào có nhiều cơ sở, đặc biệt là cơ sở gây những biến chứng do quản lý không tốt thì trưởng phòng y tế phải chịu trách nhiệm trước UBND quận huyện, lãnh đạo Sở Y tế. Sở cũng giao Thanh tra Sở giám sát phòng y tế.
6 tháng đầu năm 2018, Sở Y tế và 24 quận huyện kiểm tra 3.017 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, số tiền xử phạt vi phạm hơn 5 tỉ đồng. Riêng lĩnh vực KCB thì ngành y tế kiểm tra 1.029 cơ sở; trong đó có 173 cơ sở vi phạm, hoạt động chui, 96 cơ sở bị phạt tiền, 10 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 1 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động... Các vi phạm chủ yếu là: hành nghề không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động, vượt quá phạm vi chuyên môn; sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề; quảng cáo trái phép...
 
Tắc mạch, đột quỵ... vì tiêm filler

Mới đây, BV Da liễu T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận nữ bệnh nhân (BN) Đ.T.M, 23 tuổi, đến điều trị do biến chứng sau tiêm filler. Trước đó, BN có tiêm filler để nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp ở Hà Nội, sau đó mũi đỏ, đau, tiết dịch, sưng nề rồi có ổ mủ và đau.
Một BN khác cũng vào BV Da liễu T.Ư là T.T.H, nữ, 23 tuổi (ngụ Hà Nội) trong tình trạng sưng phồng vùng mắt và môi. 10 ngày trước khi đến BV, BN này có tiêm filler làm đầy môi tại một TMV ở Hà Nội. Sau khi tiêm 3 - 4 ngày thì bị sưng nề vùng mắt, môi và mức độ sưng ngày càng nặng.
Theo TS-BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu T.Ư, biến chứng thường gặp nhất sau tiêm filler là tắc mạch, chèn ép mạch hoặc cả hai. Nếu tắc mạch nuôi cằm, mũi, má sẽ gây hoại tử cằm mũi má. Tắc mạch mắt gây mù mắt, tắc mạch não gây đột quỵ. Nếu được điều trị sớm, BN có thể phục hồi gần như ban đầu nhưng nếu muộn sẽ khó (hoặc không) hồi phục. Nếu tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. (Liên Châu)
Cần xử lý hình sự
BS Đỗ Quang Hùng, Tổng thư ký Hội Thẩm mỹ TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có 160 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ có giấy phép, nhưng có đến gần 10.000 cơ sở làm đẹp, chăm sóc da, spa… trong khi việc quản lý những cơ sở này hiện chưa chặt chẽ. Thậm chí có tình trạng tự mở spa, TMV rồi cấu kết với một tài khoản mạng xã hội, forum (diễn đàn) để quảng cáo lôi kéo người dân tới làm dịch vụ, rồi chia nhau tiền kiếm được có khi lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng... “Cần xử lý hình sự những người không phải là BS, thậm chí là BS nhưng hành nghề không đúng chuyên môn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Không thể biện hộ do dại dột, lỡ tay. Đó là vi phạm pháp luật, cần xử lý thích đáng để răn đe”, ông Hùng kiến nghị.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM, theo quy định tại điều 242 bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) về tội vi phạm quy định về KCB, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì: Người nào vi phạm quy định về KCB, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 201 của bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.