Nhóm nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Wyss thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã thiết kế thành công một loại khẩu trang có thể phát hiện SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch Covid-19 ) qua hơi thở của người đeo trong vòng 90 phút, theo chuyên trang ScienceDaily.
Theo đó, mẫu khẩu trang mới được tích hợp các cảm biến sinh học có thể phát hiện SARS-CoV-2 cùng nhiều loại vi rút, vi khuẩn khác, thậm chí một số chất độc hay tác nhân hóa học nhất định, chỉ bằng cách đánh giá hơi thở của người đeo.
Tiến sĩ Peter Nguyễn (Viện Wyss, Đại học Harvard), đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết bộ cảm biến sinh học mới có chứa enzym CRISPR đông khô, giúp phát hiện các vật liệu di truyền có độ nhạy cao của vi rút và có thể hoạt động chính xác như xét nghiệm RT-PCR (phương pháp xét nghiệm xác định sự tồn tại của SARS-CoV-2 thông qua phát hiện vật liệu di truyền), nhưng nhanh và rẻ hơn.
Ngoài ra, xét nghiệm được tích hợp trực tiếp vào khẩu trang khiến thao tác thực hiện đơn giản hơn. Sau khi mang khoảng 30 phút, thông qua quá trình thở, nói, ho, trên khẩu trang sẽ tích tụ đủ lượng vi rút (nếu có). Để kích hoạt tính năng xét nghiệm của khẩu trang, người đeo chỉ cần ấn vào một nút để hơi nước trữ trong khẩu trang tỏa ra và chờ 90 phút. Sau đó, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ hiện lên bên trong khẩu trang.
Tuy nhiên, tiến sĩ Roman Wölfel, một nhà khoa học nổi tiếng của Đức, người không tham gia vào nghiên cứu trên, đánh giá mẫu khẩu trang này có vẻ khó ứng dụng được trong thực tế.
Cụ thể, vị viện trưởng của Viện Vi sinh vật học Quân đội Liên bang Đức (trụ sở tại Munich, Đức) nhận định mẫu khẩu trang trên chỉ mới được xem xét trong điều kiện phòng thí nghiệm. Còn ở ngoài thực tế, khi một người mang khẩu trang trong suốt 90 phút (thời gian ít nhất để khẩu trang cho ra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2), ở nhiều điều kiện nhiệt độ, môi trường khác nhau, sẽ dễ xuất hiện các nhân tố làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Chẳng hạn như các vi sinh vật khác hay mồ hôi, chất nhờn của da...
Cùng ý kiến này, tiến sĩ Can Dincer, chuyên gia về vật liệu tương tác và công nghệ sinh học tại Đại học Freiburg (Đức), nhận xét: “Các thiết bị như vậy rất khó để có thể thay thế các thử nghiệm lâm sàng”.
Đối với nhóm nghiên cứu, khẩu trang tích hợp bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 chỉ là một trong những lĩnh vực có tiềm năng. Các tác giả cho biết các cảm biến sinh học này còn có thể gắn lên quần áo bằng vải hay các vật liệu tương tự khác như cotton, polyester, len và lụa. Trong tương lai gần, đây có thể là một phương pháp mới giúp theo dõi mức độ phơi nhiễm của con người với nhiều loại mầm bệnh khác nhau.
Hiện nghiên cứu đã được công bố đầy đủ trên chuyên san Nature Biotechnology.
Bình luận (0)