Kinh nguyệt sớm có hại gì không?

03/07/2006 11:00 GMT+7

Hỏi: Tôi có quan hệ nam nữ trong khoảng 2 năm nay. Trong quan hệ, chúng tôi không muốn sử dụng các phương pháp hỗ trợ tránh thai, vì thế tôi từng 2 lần đi phá thai. Giờ đây kinh nguyệt của tôi không đều, ra sớm trước 7 ngày (chu kỳ khoảng 24 ngày). Như thế có ảnh hưởng gì đến việc sinh đẻ sau này không? (Trần Thị Xuân Hiếu)

Đáp: Rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ có thể biểu hiện dưới nhiều dạng:

- Chu kỳ ngắn (nếu dưới 21 ngày).

-  Kỳ kinh kéo dài (kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày).

- Xuất huyết giữa kỳ kinh (kinh nguyệt xuất hiện vào những ngày giữa 2 chu kỳ kinh).

- Chu kỳ kinh nguyệt thưa (từ 36 ngày đến 6 tháng).

- Kinh nguyệt ít (thời gian hành kinh dưới 3 ngày, lượng máu ra ít).

- Vô kinh (thời gian không có kinh trên 6 tháng).

Thông thường RLKN được chia làm 3 loại:

+ Kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường 7-8 ngày hoặc một tháng hành kinh đến 2 lần gọi là kinh nguyệt đến trước kỳ.

+ Kinh nguyệt đến chậm hơn 7-8 ngày hoặc 40-50 ngày mới hành kinh 1 lần gọi là kinh nguyệt đến muộn.

+ Kinh nguyệt đến khi sớm, khi muộn  không theo qui luật; lượng máu ra cũng lúc ít, lúc nhiều gọi là rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

Trường hợp của bạn thuộc loại kinh nguyệt đến trước kỳ.

Mỗi loại có những nguyên nhân riêng nhưng tựu chung các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt có thể gặp trong các chứng bệnh như khối u, viêm nhiễm, lạc nội mạc tử cung hay trong một số bệnh nội khoa khác, thần kinh căng thẳng mệt mỏi, môi trường làm việc, dùng thuốc có chứa hocmon không phù hợp hoặc sau khi bỏ vòng tránh thai.

Bạn hay dùng loại thuốc tránh thai 1 viên (thuốc tránh thai khẩn cấp) có một tác dụng phụ là xuất huyết âm đạo thường ngay sau khi dùng thuốc vài ngày. Nếu ngưng dùng thuốc tránh thai một thời gian kinh nguyệt ổn định thì không đáng ngại. Nhưng cũng có những trường hợp RLKN cần thiết phải đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân vì dễ gây ảnh hưởng đến tinh thần, sự bất tiện trong sinh hoạt, gây thiếu máu, vô sinh hay đôi khi là biểu hiện một số bệnh tiềm ẩn khác trong cơ thể.

Không nên coi thường và dùng thuốc điều kinh một cách tùy tiện vì trên thực tế nhiều khi mọi chuyện lại không đơn giản như vậy, cần phải khám và xác định rõ xem bạn có mắc bệnh về kinh nguyệt không, RLKN thuộc loại nào..., sau đó bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra phụ khoa, siêu âm để chẩn đoán nguyên nhân rồi mới kết luận chính xác được.

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.