Chiều 26.10, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thạnh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết 6 ê kíp với 20 bác sĩ ở nhiều chuyên khoa của bệnh viện này vừa cùng phối hợp phẫu thuật cứu sống kịp thời một nữ bệnh nhân bị sốc đa chấn thương nghiêm trọng do tai nạn giao thông.
Trước đó, trưa 21.10, chị L.T.M.H (22 tuổi, ngụ Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) trong lúc đi xe máy cùng người thân đã xảy ra va chạm với xe container, chị H. ngã ra đường và không may bị bánh xe container cán lên phần hông, chậu. Nạn nhân lập tức được người dân xung quanh hỗ trợ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, choáng chấn thương, sốc mất máu nặng, lơ mơ, niêm trắng bệt, huyết áp khó đo, mạch nhanh, bụng gồng cứng, sưng nề, xây sát vùng chậu, lạo xạo xương vùng chậu khi khám, máu đỏ chảy ra từ âm đạo.
|
Nhận định đây là trường hợp đa chấn thương nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, các bác sĩ Cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện.
Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực chống sốc bằng cách kiểm soát chảy máu, cho thở ô xy, giảm đau, lập 2 đường truyền dịch chảy tự do, truyền máu đồng thời được nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho phẫu thuật khẩn cấp.
Đặc biệt, Khoa Huyết học truyền máu của bệnh viện phải liên hệ khẩn cấp Bệnh viện Huyết học truyền máu TP.Cần Thơ để chuẩn bị sẵn một lượng máu và các chế phẩm máu lớn truyền cho bệnh nhân.
Bỏ qua các thủ tục hành chính, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ với chẩn đoán choáng chấn thương, chấn thương bụng kín, vỡ bàng quang, chấn thương âm đạo -phần phụ, chấn thương vỡ phức tạp khung chậu.
Bệnh viện đã phải huy động 6 ê kíp mổ với 20 bác sĩ ở các chuyên khoa: Ngoại Tổng hợp, Ngoại Thận - Tiết niệu, Ngoại lồng ngực - Mạch máu, Sản, Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để chạy đua với “tử thần” cứu bệnh nhân.
Lần lượt, 6 ê kíp phẫu thuật đã tiến hành xử lý chấn thương cho bệnh nhân như phẫu thuật thám sát vết thương; mở bụng đường giữa dưới rốn lấy máu tụ; khâu vết rách bàng quang thành sau, mở bàng quang ra da. Tiếp đến là khâu cầm máu buồng trứng trái, cắt tử cung toàn phần, khâu nối âm đạo, kiểm tra cầm máu.
Ê kíp Khoa Lồng ngực - Mạch máu đã thực hiện cột động mạch chậu trong bên trái để giảm bớt lượng máu chảy về vùng khung chậu, cầm máu kỹ, nhét gạc cầm máu, đặt ống dẫn lưu. Còn ê kíp của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình tập trung xử trí cố định ngoài giữ cố định xương chậu cho bệnh nhân sau khi nhận thấy bệnh nhân bị gãy mất vững khung chậu, tổn thương ngành ngồi và chậu mu, gãy toác cùng chậu bên trái, lóc da ngầm hông mông trái. Sau 4 giờ 10 phút, ca mổ phức tạp trên đã thành công. Các bác sĩ thở phào khi thông báo với người nhà bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Hiện tại, sau mổ các dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân đã ổn định, không sốt, vết mổ rỉ ít dịch, tự thở đều qua ô xy mũi. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực để hồi sức, nâng tổng trạng. Sau khi bệnh nhân ổn định, bệnh viện sẽ tiếp tục lên kế hoạch điều trị phần lóc da ở phần hông bệnh nhân cũng như tạo hình lại khung chậu giúp cho bệnh nhân giảm thiểu tàn tật sau này.
Theo BS.CK2 Trần Huỳnh Đào (Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), ngoài việc được đưa đến cấp cứu kịp thời thì yếu tố mang tính quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân này chính là sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng của nhiều bác sĩ, nhiều chuyên khoa trong cùng một ca cấp cứu. Cùng với đó là quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt rất hiệu quả, nhờ đó đã cấp cứu bệnh nhân một cách nhanh nhất.
Trước đó, cũng tại bệnh viện này, vào tháng 7.2020, 15 bác sĩ bệnh viện cũng phối hợp cứu sống một trường hợp tai nạn giao thông tương tự.
Bình luận (0)