Làm sao để chấm dứt tâm lý sợ hãi và thù ghét?

19/03/2019 11:10 GMT+7

Sau vụ một người Úc thù hận người Hồi giáo, cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng xả súng khiến 49 người chết, hàng chục người bị thương ở New Zealand, một nhà khoa học đã viết về việc kiểm soát nỗi sợ hãi và thù hận.

Theo Reuters, nghi phạm Brenton Tarrant (28 tuổi) ra tòa ngày 16.3 đã nói y xả súng vào 2 nhà thờ Hồi giáo nhằm “giảm tỉ lệ dân nhập cư đến đất của người châu Âu” và để trả thù cho cái chết của hàng ngàn người châu Âu trong những vụ tấn công khủng bố từ “những kẻ xâm lăng bên ngoài”.
Trước đó, Brenton Tarrant cũng đăng lên mạng nhiều tuyên bố mang tính thù hận người Hồi giáo, cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Sau vụ xả súng, Stephen Croucher, giảng viên và Hiệu trưởng Trường Truyền thông, Báo chí và Marketing, Đại học Massey (New Zealand), đã chia sẻ trên The Conversation về nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp.
Ông Stephen Croucher cho biết trong thập kỷ qua, nhóm của ông đã tiến hành nghiên cứu ở Ấn Độ, Pháp, Phần Lan, Đức, Vương quốc Anh và Mỹ, tập trung vào việc làm rõ nhóm dân số đa số nhận thức như thế nào về số dân nhập cư ngày càng tăng và chúng ta có thể làm để kiểm soát nỗi sợ hãi và thù hận.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều thành viên nhóm đa số ở các quốc gia nghiên cứu bày tỏ nỗi sợ hãi đối với người nhập cư. Cụ thể, những người được hỏi lo ngại người nhập cư thay đổi lối sống văn hóa, chính trị và kinh tế ở nước họ. Thông thường, nỗi sợ ấy dẫn đến sự hiểu lầm hoặc thiếu tương tác nhưng chúng có thể dẫn đến thành kiến, thù hận và tồi tệ hơn nhiều, theo The Conversation.
Gần đây, những nỗi sợ hãi như vậy đã trở nên phổ biến hơn. Với việc sử dụng mạng xã hội, cá nhân có thể dễ dàng tìm thấy những người khác cùng chia sẻ cảm xúc và do đó, họ không cảm thấy cô đơn. Khả năng tìm thấy cộng đồng chia sẻ như thế mang lại cảm giác an toàn cũng như xác thực những nỗi sợ hãi và cảm giác thù ghét sẵn có.
Trên The Conversation, ông Stephen Croucher đưa ra một số phương thức chấm dứt tâm lý sợ hãi và thù ghét nhằm giảm khả năng xảy ra những hành động khủng bố tàn bạo như vụ xả súng kia trong tương lai.
Đầu tiên, cách các gia đình nói về nhóm người thiểu số và người nhập cư là rất quan trọng. “Trong dự án tiến hành ở Phần Lan, chúng tôi thấy định kiến của người Phần Lan đối với người nhập cư Nga phần lớn được định hình trong thời niên thiếu”. Do đó, quan trọng là cha mẹ trở thành hình mẫu cho con cái và thế hệ thanh thiếu niên cũng như đóng vai trò thúc đẩy sự khoan dung và tôn trọng.
Thứ hai, trong một thế giới công nghệ, trách nhiệm chung của chúng ta là bài bác các thông điệp phân biệt chủng tộc và thù hận trên mạng. Nếu thấy clip YouTube lạm dụng hoặc gây khó chịu, hãy “report”.
Thứ ba, chúng ta càng tiếp xúc và tìm hiểu về nhau nhiều hơn, chúng ta càng ít sợ nhau. Điều này nghe có vẻ tầm thường, nhưng sự thật, chúng ta càng biết nhiều về các nhóm khác, chúng ta càng có nhiều khả năng truyền thông tin cho nhau và cải thiện sự gắn kết xã hội nói chung. Đổi lại, chúng ta có thể xác định và đấu tranh với những kẻ có khuynh hướng chia rẽ xã hội tốt hơn.
Trách nhiệm tập thể của chúng ta là nhận ra sự đa dạng trong xã hội và dũng cảm đối mặt với tâm lý thù ghét sẽ tấn công chúng ta và bình tĩnh xử lý nó như nói ở trên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.