Dù là tập gym hay chơi bất kỳ môn thể thao đòi hỏi sức mạnh nào, người tập không nên tăng cường độ hoạt động quá 10%/tuần. Khối lượng tập cần tăng lên ở mức vừa phải, theo The Healthy.
Ví dụ nếu bạn chạy bộ 15 phút vào ngày đầu tiên thì trong tuần tiếp theo chỉ nên tập lâu hơn vài phút. Việc tăng cường độ tập lên cao đột ngột sẽ gây ra sức ép lên cơ thể và tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Ngoài ra, người tập cần kết hợp các hoạt động như đi bộ, bơi lội hay đạp xe để tác động đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể.
Các môn thể thao như đánh golf, tennis và bóng chuyền sẽ đòi hỏi người chơi lặp đi lặp lại một động tác giống nhau. Tình trạng này dễ làm căng và rách cơ, gân. Do đó, để đảm bảo tránh chấn thương, người chơi cần tăng cường sức mạnh ở các nhóm cơ nhất định, theoThe Healthy.
Ví dụ, những người tập golf có thể tăng cường sức mạnh cẳng tay bằng cách tập bóp chặt các quả bóng tennis hoặc các bài tập giúp tăng cơ cẳng tay bằng tạ.
Bên cạnh sức mạnh thì kỹ thuật cũng rất quan trọng để giúp ngăn ngừa các chấn thương như viêm gân hay nứt , gãy xương. Trước khi chơi những môn thể thao đòi hỏi cường độ hoạt động mạnh, mọi người cần được hướng dẫn kỹ các tư thế và kỹ thuật cần thiết.
Trước khi chơi thể thao, một thao tác rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ chấn thương là khởi động. Khởi động sẽ giúp làm nóng cơ thể, tăng lưu thông máu đế cơ bắp và giúp xương khớp hoạt động linh hoạt hơn.
Các bài khởi động thường kéo dài từ 10 đến 15 phút, chủ yếu là các động tác căng cơ, xoay khớp và các bài cardio đơn giản như chạy bộ hay đạp xe.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên tập thể dục thường xuyên, tránh tình trạng cả tuần không tập và dồn các bài tập vào hai ngày cuối tuần. Cường độ tập quá mức sẽ làm tăng rủi ro chấn thương.
Với những người đã bị chấn thương thì cách tốt là cần tránh tập luyện cho đến khi chấn thương bình phục. Việc cố sức tập có thể khiến chấn thương thêm nặng, thậm chí có thể dẫn đến những cơn đau mạn tính như đau xương khớp, theo The Healthy.
Bình luận (0)