Lao kháng thuốc gia tăng tại TP.HCM

06/04/2018 14:10 GMT+7

Ngày 6.4, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại TP.HCM và hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao năm 2018.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết 3 năm qua, số lượng người mắc lao tại TP.HCM có xu hướng giảm nhưng người mắc lao đa kháng đăng ký điều trị tăng. Cụ thể, năm 2015, 2016, 2017 số người mắc lao mới tại TP lần lượt là 16.195, 16.046 và 15.888. Số người mắc lao đa kháng thuốc tăng lần lượt: 550, 600 và 650. Dự báo số bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.
Bác sĩ Hưng cho biết thêm, VN đứng thứ 16/20 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và đứng thứ 13 về lao kháng thuốc. Mỗi năm VN có khoảng 123.000 bệnh nhân lao mới, số người mắc lao kháng thuốc chiếm 4% . Tại TP.HCM, số bệnh nhân lao mắc mới chiếm 15% của cả nước. Số người bệnh lao được phát hiện điều trị chỉ chiếm 80%, còn lại 20% chưa được phát hiện.
Theo bác sĩ Hưng, năm 2017 TP có 650 ca lao kháng thuốc nhưng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chỉ có 50 giường thu dung, điều trị. Như vậy, số bệnh nhân phải điều trị ngoài cộng đồng, gia đình rất nhiều nên đặt ra vấn đề cách ly họ làm sao để khỏi lây nhiễm cho người khác. Điều này cũng có nghĩa là nguy cơ lao kháng thuốc sẽ gia tăng. Do đó đòi hỏi có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, cá tổ chức đoàn thể để phòng, chống lao. Về điều trị, sẽ kết hợp BV công và bệnh viện tư để nắm bắt số người đang điều trị cũng như các giải pháp quản lý về lâu dài…
“Ngoài nỗ lực của mình, TP còn được sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức trong nước, quốc tế hiện không còn thụ động ngồi chờ bệnh nhân đến các cơ sở y tế kiểm tra lao mà đi đến từng phường xã, nhà dân mời người dân đi kiểm tra lao để đưa vào điều trị kịp thờ”, bác sĩ Hưng nói.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Hưng lĩnh vực phòng chống, điều trị lao cũng đang đối mặt với thách thức khó tuyển được người, do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, do lo sợ lây nhiễm chéo và đặc biệt người làm công tác phòng chống lao bị kỳ thị giống như bệnh nhân lao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.