Nguyên nhân gây tăng thân nhiệt
Tăng thân nhiệt là hệ quả của sự mất cân bằng giữa sinh nhiệt và thải nhiệt. Tăng thân nhiệt khác với sốt. Sốt cũng là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng hơn bình thường nhưng không phải là do mất cân bằng sinh thải nhiệt. Thay vào đó, sốt là biểu hiện của hàng loạt phản ứng sinh lý, sinh hóa nhằm chống lại các tác nhân bất thường bên ngoài xâm nhập vào hay ngay cả bất thường bên trong cơ thể.
Cơ thể có nhiều cách khác nhau để loại bỏ thân nhiệt dư thừa, chẳng hạn như thông qua hơi thở, đổ mồ hôi và tăng lưu lượng máu đến bề mặt da. Thế nhưng khi nhiệt độ bên ngoài ấm và ẩm hơn thân nhiệt, cơ thể không đổ mồ hôi, không thể giải phóng đủ nhiệt để duy trì nhiệt độ bình thường, chứng tăng thân nhiệt xảy ra, theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Conference Papers in Science. Khi cơ thể trên 40 độ C, chứng tăng thân nhiệt lúc này có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Các thời điểm của tăng thân nhiệt
Đó là khi thân nhiệt bắt đầu tăng lên và không thể tự làm mát thông qua mồ hôi. Theo chuyên san Journal of Intensive Care, điều này dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như kiệt sức vì nóng và say nắng.
Nếu cơ thể không quen với thời tiết quá nóng hoặc điều kiện làm việc nóng, bạn sẽ cảm thấy nóng, khát và mệt mỏi.
Ngất xỉu xảy ra khi huyết áp giảm và lưu lượng máu đến não tạm thời bị tụt. Thường xảy ra khi bạn gắng sức trong thời tiết nắng nóng.
Chuột rút do nhiệt xảy ra khi cơ thể bạn trải qua quá trình gắng sức, dẫn đến mất cân bằng điện giải. Điều này dẫn đến chuột rút ở bụng, cơ cánh tay và chân.
Đứng hoặc ngồi lâu trong thời tiết nắng nóng, khiến tay, mắt cá chân hoặc cẳng chân bị sưng, theo chuyên san Postgraduate Medical Journal.
Nếu ở trong môi trường nóng trong thời gian dài, các vết sưng nhỏ màu đỏ bắt đầu xuất hiện, được gọi là phát ban do nhiệt.
Kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể không thể tự làm mát, gây chóng mặt, khát nước và khó tập trung, theo chuyên san Journal of Intensive Care.
Triệu chứng
Mất nước nhẹ; đổ mồ hôi quá nhiều; buồn nôn; đau đầu; chuột rút cơ bắp, co thắt và đau; da tím tái, lạnh; tập trung kém; sưng nhẹ ở bàn chân và mắt cá chân; chóng mặt; hay nhầm lẫn; thị lực kém.
Các yếu tố dễ làm tăng thân nhiệt
Béo phì; hút thuốc lá; thiếu cân; nghiện rượu bia; bệnh tiểu đường; tim, phổi, thận và gan có vấn đề; trao đổi chất kém; mất nước mãn tính; viêm dạ dày ruột; chế độ ăn thấp lượng sodium (chất trong muối ăn); hệ miễn dịch gặp trục trặc.
Những người dễ có nguy cơ bị tăng thân nhiệt
Người làm việc trong môi trường nóng, đặc biệt là công nhân xây dựng, nông dân; lính cứu hỏa; vận động viên; những người làm việc trong nhà, xung quanh lò nướng lớn; trẻ em và người già. Nếu bạn cảm thấy khó chịu, mạch yếu hoặc nhanh, da đỏ ửng, ngất xỉu, hãy đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe ngay lập tức.
Nghiên cứu được công bố trên chuyên san International Journal of Hyperthermia cho thấy, nếu chuột rút do nhiệt kéo dài hơn một giờ đồng hồ, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Cách điều trị chứng tăng thân nhiệt nhẹ
Nằm thư giãn
Uống nước mát hoặc nước uống điện giải
Tắm nước mát lạnh
Cởi bỏ bớt quần áo dư thừa
Để cổ tay dưới nước mát trong 60 giây
Ngồi trong phòng máy lạnh
Chườm túi nước đá dưới cánh tay và háng
Nếu tăng thân nhiệt ở mức nghiêm trọng (trên 40 độ C), có thể nhập viện trong vài ngày cho đến khi bình phục hoàn toàn.
Cách phòng ngừa tăng thân nhiệt
Giữ cơ thể luôn trong tình trạng đủ nước
Ở nơi thoáng mát
Mặc quần áo sáng màu khi ra ngoài trời
Tránh các bữa ăn lớn, cay nóng
Tránh uống rượu bia.
Bình luận (0)