Chiều 22.3, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Các bác sĩ đã mất tới 7 giờ phẫu thuật để lấy ra mảnh nhựa chiếc lục lạc đồ chơi mắc kẹt giữa thực quản và khí quản của em bé 11 tháng. Mảnh nhựa này gần như vô hình trên các chẩn đoán hình ảnh nên trước đó bác sĩ không thể nhìn thấy.
tin liên quan
Mẹo xử trí khi bị hóc xương cáTheo bác sĩ Trương Ánh Linh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1: Bé trai (11 tháng tuổi, quê Phú Yên) nhập viện sau 1 tuần bị sốt, liên tục ho sặc khi uống nước và bị khò khè.
Các bác sĩ nghi bé có nuốt dị vật. Tuy nhiên, các kết quả chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang, CT scan đều không cho thấy bất kỳ vật lạ nào mà chỉ thấy một túi nhiễm trùng dày ở thành thực quản.
Bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hô hấp, điều trị bằng thuốc nhưng khối nhiễm trùng vẫn không có dấu hiệu xẹp đi.
Các bác sĩ đã quyết định nội soi thám sát khí quản và thực quản của em bé lần nhưng vẫn không thấy bất cứ dị vật nào.
tin liên quan
Cẩn thận đồ chơi hạt nở gây tắc ruột trẻ em“Do bé còn quá nhỏ, không nói được và phụ huynh cũng không biết con có nuốt gì hay không nên bác sĩ hoàn toàn không khai thác được bệnh sử để tìm thêm manh mối”, bác sĩ Linh nói.
Cuối cùng, các bác sĩ phải thực hiện phương án mổ mở cho bé để trực tiếp xem xét và giải quyết khối nhiễm trùng.
Trong khi phẫu thuật, bác sĩ đã phát hiện một mảnh nhựa mica màu cam nằm trong khối nhiễm trùng. Sau 7 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy dị vật ra ngoài, đồng thời cũng đã xử trí triệt để được những tổn thương trên thực quản, khí quản của bé.
Sau khi dị vật được lấy ra, xem kỹ, phụ huynh mới xác định đó là một mảnh của cái lục lạc đồ chơi của bé.
Theo bác sĩ Hiếu, các thương tổn cho thấy ban đầu mảnh nhựa nằm ở thực quản nhưng nó đã cắt gần đứt thực quản và chui ra ngoài, đâm thủng khí quản và “tạm trú” ở giữa khí quản và thực quản.
tin liên quan
Người cha được 'đặc cách' vào phòng mổ để trấn an con“Với vị trí hi hữu này, kèm theo đã xuất hiện khối nhiễm trùng bao quanh dị vật là lý do món đồ chơi trở thành vô hình trước các phương tiện X-quang, CT scan, nội soi; các chẩn đoán hình ảnh không thể thấy dị vật trong cả khí quản và thực quản”, bác sĩ Hiếu nhận định.
Bác sĩ Hiếu cho biết, thông thường nhóm dị vật cản quang như các vật bằng kim loại sẽ dễ phát hiện hơn, còn các vật liệu không cản quang như đồ chơi bằng nhựa sẽ rất khó phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh giá: Dị vật này đã nằm rất lâu trước khi bé có các triệu chứng bất thường đầu tiên. Ước tính dị vật đã “tạm trú” trong đường thở của bé ít nhất 3 tháng trước khi bé nhập viện.
Các bác sĩ khuyến cáo: Để phòng ngừa những tai nạn nguy hiểm như trên, phụ huynh cần cẩn thận lựa chọn đồ chơi cho bé, chọn đồ chơi theo đúng độ tuổi, không nên cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ. Phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa nếu phát hiện con nuốt cái gì đó hoặc có triệu chứng bất thường (đột nhiên ho sặc sụa, khó thở)…
Bình luận (0)