Mẹo kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng trong bối cảnh ô nhiễm môi trường

29/11/2019 10:00 GMT+7

Viêm mũi dị ứng là một căn bệnh phổ biến tại các nước có khi hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như Việt Nam. Bệnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, lúc chuyển mùa.

Đặc biệt, với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng tại các đô thị lớn - đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn, càng dễ làm gia tăng số lượng bệnh nhân mắc bệnh viêm mũi dị ứng, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ - là đối tượng nhạy cảm do cơ thể chưa phát triển đầy đủ và có sức đề kháng yếu. Do đó, phụ huynh cần bảo vệ môi trường sống sạch, đưa trẻ đi khám bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng viêm mũi dị ứng và bổ sung dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Theo Báo cáo chất lượng môi trường EPI (Đại học Yale, Mỹ), Việt Nam xếp thứ 170/180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chất lượng môi trường và cũng là một trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Các đô thị lớn ở nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn. Bụi mịn (PM 2.5) có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào cơ thể (thậm chí đến phổi) thông qua hệ hô hấp gây viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm xoang và gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người mắc viêm mũi dị ứng đang gia tăng, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển. Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Nghiên cứu Quốc tế về hen và dị ứng ở trẻ em, tỷ lệ học sinh tại TP.HCM mắc bệnh viêm mũi dị ứng là khoảng 39-52% và Hà Nội là 27,6%. Ước tính có khoảng 20% dân số trên cả nước mắc căn bệnh này.
Bệnh viêm mũi dị ứng do ba nguyên nhân gồm: Di truyền, lối sống thiếu lành mạnh và đặc biệt là do môi trường sống bị ô nhiễm. Tình trạng dị ứng xảy ra khi có những nguyên nhân gây dị ứng đi vào cơ thể (như phấn hoa, bụi, lông thú nuôi…) và một phần lớn là do ảnh hưởng từ môi trường sống không trong sạch do nhiều tác nhân gây ra từ tự nhiên lẫn con người.
Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng nếu không được can thiệp và hỗ trợ về y tế sẽ thường xuyên khó chịu, mất ngủ, làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến việc khám phá thế giới xung quanh cũng như khả năng học tập. Viêm mũi nếu không điều trị tốt có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang, khi đó điều trị sẽ vất vả hơn. Trẻ bị viêm mũi dị ứng cũng có thể có những bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn hay viêm da cơ địa (chàm thể tạng).
Để kiểm soát bệnh viêm mũi dị ứng, phụ huynh cần nghe theo lời khuyên và chỉ định của bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp nhằm kiểm soát bệnh ngay từ giai đoại đầu cho trẻ. Tuân thủ điều trị cho trẻ dưới phác đồ của bác sĩ với các loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, các nhóm thuốc kháng histamine thế hệ mới có chứa các hoạt chất như Fexofenadine, Loratadine, Acrivastine, Cetirizine… là những sản phẩm thường được dùng trong quá trình điều trị bệnh viêm mũi dị ứng vì đây là nhóm thuốc có tác dụng nhanh, hiệu quả và ít gây buồn ngủ. Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, để thuận tiện trong việc lưu trữ và mang theo trong các hoạt động học tập và sinh hoạt thường ngày của trẻ, phụ huynh nên tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ để có thể sử dụng các sản phẩm dưới dạng viên dễ uống. Lưu ý, phụ huynh cần tuân thủ liều lượng, số ngày điều trị để đạt hiệu quả tối ưu.
Một điều mâu thuẫn là cuộc sống càng hiện đại thì môi trường không khí lại càng có nguy cơ trở nên ô nhiễm hơn - ẩn chứa nhiều tác nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến môi trường sống tại gia đình và giúp trẻ xây dựng chế độ đề kháng tốt để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đồng thời, chủ động điều trị kịp thời khi dự đoán trẻ bị viêm mũi dị ứng là điều rất quan trọng để hạn chế những tác động tiêu cực đến sức khỏe và khả năng đề kháng của trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.