Mỗi năm VN tốn 1,5 triệu lít máu, 15 tấn lương thực để nuôi... giun

26/05/2017 08:01 GMT+7

Khoảng 45 triệu người VN nhiễm giun. Ký sinh trùng này có thể gây bệnh, ảnh hưởng chất lượng sống nhưng chính 'chủ nhân' của chúng lại không hay biết.

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Bộ Y tế): khoảng 45 triệu người VN nhiễm giun. Hằng năm người dân VN tiêu tốn ước đến 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun. Nhiễm giun gây nên nhiều tác hại khác nhau như thiếu máu, thiếu các vi chất, gây bệnh ở gan mật, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cho người bệnh đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ có thai. Với những người có sức đề kháng yếu thì bệnh lý có thể nặng hơn nữa. “Tuy nhiên, bệnh giun cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm những bệnh ít được quan tâm, “bị lãng quên”, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư chia sẻ.
Khảo sát gần đây tại một thành phố lớn trong nước cho thấy, có 56,4% phụ huynh không tẩy giun định kỳ cho trẻ. Trong đó, hơn 4% chưa bao giờ tẩy giun cho con; 9,9% phụ huynh không nhớ đã tẩy giun cho con hay chưa và hơn 42% trẻ em được tẩy giun từ một năm trở lên.
Nhiễm bệnh do vệ sinh kém
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, trứng giun có trong phân của người bị nhiễm thải ra môi trường. Trứng giun bám vào rau quả, vào đường tiêu hóa khi con người ăn rau quả không được rửa sạch và nấu chín kỹ. Trứng giun cũng xâm nhập vào đường tiêu hóa từ các nguồn nước bị ô nhiễm; trẻ em bị nhiễm bệnh khi chơi ở nơi đất bị nhiễm trứng giun và sau đó cho tay vào miệng mà không rửa sạch trước đó.
Tẩy giun nên thực hiện cho cả gia đình trong cùng thời điểm để tránh lây nhiễm trứng giun và nên định kỳ 6 tháng một lần. Thời gian quá dài hay quá ngắn đều không tốt. Nếu thời gian cho mỗi lần tẩy giun cách nhau vài năm có thể không loại bỏ hết giun ra khỏi cơ thể. Nếu thời gian quá ngắn thì không cần thiết bởi nguy cơ tái nhiễm giun chưa xuất hiện.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư
Giun đũa là loại thường gặp trong các trường hợp nhiễm giun. Trong ruột người, giun cái có thể đẻ khoảng 200.000 trứng mỗi ngày. Trong ruột non, giun đũa lấy đi các chất dinh dưỡng, vitamin A và C vì thế có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, gầy yếu. Nếu bị nhiễm giun đũa nặng có thể gây ra các biến chứng xoắn ruột, tắc ruột hoặc lồng ruột, giun chui ống mật…
Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, vừa qua, bệnh viện này đã mổ cấp cứu cho bé trai 2 tuổi bị đau bụng dữ dội. Khi mở ổ bụng các bác sĩ thấy ruột thừa của bé đã bị giun đũa đục thủng, làm tràn dịch ra ổ bụng gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng và điều trị cho bé.
Giun móc cũng dễ nhiễm cho người, có thể gây ra tiêu chảy và bệnh lỵ. Có thể nhiễm giun móc do trứng giun này phát triển trong đất thành ấu trùng trưởng thành. Ấu trùng có thể chủ động xâm nhập vào da. Người bị nhiễm giun móc chủ yếu do đi chân trần trên nền đất bị ô nhiễm trứng giun.

Nhận biết nhiễm giun
Nhiễm giun nhẹ thường không có triệu chứng. Những người nhiễm nặng hơn có thể xuất hiện các triệu chứng như: tiêu chảy, đau bụng, khó chịu và suy nhược. Giun móc gây mất máu đường ruột mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu.
Các bác sĩ của Khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư lưu ý, khi con bị đau bụng, các mẹ thường cho rằng nguyên nhân do thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Hoặc có trẻ bị ăn ít, biếng ăn nhưng vẫn thường xuyên bị đầy bụng khó tiêu, được mẹ cho uống men tiêu hóa nhưng không cải thiện triệu chứng, khi đến khám chuyên khoa mới được phát hiện nhiễm giun.
Để phòng nhiễm giun cần rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mang dép khi đi ra ngoài, thậm chí là vài bước chân ở sân vườn.

tin liên quan

Bệnh sán lá gan xuất hiện tại 32 tỉnh thành
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng; chú trọng truyền thông phòng bệnh từ thói quen dinh dưỡng lành mạnh.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.