Mỗi khi gặp một người bị mỏi vai gáy, các thầy thuốc thường nghĩ ngay tới các chứng bệnh như viêm xoang sàng, thoái hóa cột sống cổ, căng cơ do cuộc sống hay công việc nặng nhọc, căng thẳng... Ngày nay với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung và y khoa nói riêng, hội chứng vai gáy hầu hết đã được điều trị rất hiệu quả. Với các phương pháp cận lâm sàng như X quang, CT scanner phát hiện bệnh và các phương cách điều trị dùng thuốc kết hợp vật lý trị liệu như sóng ngắn, kéo cột sống, xoa bóp, đã giúp giải quyết hội chứng này. Tuy nhiên, có một vài trường hợp, dù đã dùng nhiều phương pháp nhưng chứng mỏi vai gáy vẫn không được giải quyết triệt để.
|
Những nguyên nhân thường gặp
Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến chứng mỏi vai gáy do cảm nhiễm phong hàn theo lý luận của đông y.
Cơ thể con người khỏe mạnh bình thường có thể kháng lại những bất thường của khí hậu, trời đất được gọi là tà khí. Tà khí gồm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm ướt), táo (khô), hỏa (nóng). Khi tà khí thịnh mà chánh khí suy (chánh khí là khả năng chống lại tà khí từ bên ngoài của cơ thể) là lúc cơ thể thọ bệnh.
Trong cuộc sống, rất nhiều trường hợp làm cho cơ thể cảm nhiễm phong hàn như thời tiết quá lạnh mà cơ thể không được bảo vệ cho đủ ấm; hay khi ốm đau chưa khỏi đã đi ra ngoài, trúng mưa gió; phụ nữ mới sinh, da còn thưa hở, thấm nước lạnh sớm... Có những trường hợp chúng ta cảm nhiễm phong hàn do thói quen ngủ mở máy điều hòa quá lạnh; hay mới làm việc nặng, chơi thể thao mồ hôi đang ra nhiều, lỗ chân lông đang rộng mở, chúng ta nhanh chóng dội nước lạnh hay đi vào phòng máy lạnh cho dễ chịu - đó chính là lúc tà khí (phong hàn) nhanh chóng đột nhập, và đi sâu vào trong cơ thể mà chúng ta không hay biết, nhất thời chúng ta chỉ có cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Tùy theo mức độ, có thể chỉ rùng mình, nổi da gà một chút, hoặc sau một giấc ngủ, cảm thấy uể oải, đau mỏi vai gáy rồi mỗi ngày một đau thêm.
Có thể dùng bài thuốc dưới đây được dùng để điều trị hội chứng đau mỏi vai gáy do cảm nhiễm phong hàn, sẽ cho những kết quả nhất định: phòng phong 2 chỉ, khương hoạt 2 chỉ, tế tân 1 chỉ, kinh giới tuệ 3 chỉ, cảo bản 2 chỉ, tiền hồ 2 chỉ, đương quy 2 chỉ, cát cánh 2 chỉ, cam thảo 1 chỉ, xuyên khung 2 chỉ, cát căn 2 chỉ, xa nhân 1 chỉ, hoàng kỳ 3 chỉ, trần bì 1 chỉ, sinh khương 3 lát. Dùng thang thuốc này đổ 3 chén nước sắc còn lại 2/3 chén, uống khi thuốc còn ấm. Mỗi thang sắc uống 1 lần, nếu bệnh nặng, mỗi ngày nên uống 2 thang. Thuốc này nên uống sau khi ăn khoảng 30 phút. Sau khi uống thuốc, trong khoảng 30 phút, không nên ra gió, sẽ không tốt cho người bệnh.
|
Lương y Trần Duy Linh
>> Có thể dự đoán khả năng nhiễm bệnh cảm lạnh
>> Trị cảm lạnh nhờ thì là
>> Vượt cảm lạnh
>> Thực phẩm màu đỏ đẩy lùi cảm lạnh
>> Ngừa cảm lạnh từ súp gà
Bình luận (0)