Mùa cảm cúm nên ăn gì, uống gì?

20/11/2019 04:31 GMT+7

Tiêm phòng cúm hằng năm là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh cúm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Karen Latimer, bác sĩ gia đình ở Hackensack, New Jersey (Mỹ), chia sẻ những lời khuyên của cô về việc chống lại bệnh cúm: “Nhà bếp chính là nơi chữa bệnh tốt nhất”.
Chất chống ô xy hóa trong thực phẩm giúp ngăn ngừa cúm và chống lại nhiễm trùng rất hiệu quả.
Một số thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng sau có thể hỗ trợ phục hồi sau cúm - bằng cách hỗ trợ hệ miễn dịch hoặc chống viêm, theo Medical News Today.

• Trái cây giàu vitamin C

Trái cây và rau quả giàu vitamin C giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, gồm ớt ngọt, cam, chanh, bưởi, trái kiwi …
Rau quả cũng là nguồn flavonoid tuyệt vời, có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên, gồm quả mọng, nho, súp lơ xanh.
Nghiên cứu về cảm lạnh thông thường đã phát hiện ra rằng những người thường xuyên bổ sung vitamin C, có thể có các triệu chứng nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn.

• Rau màu xanh sậm

Rau xanh chứa nhiều vitamin C, sắt, a xít folic - có đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch.
Do đó, ăn rau xanh có thể giúp cơ thể chống bệnh cúm. Xà lách, rau bó xôi, cải thảo, súp lơ xanh chứa vô số vitamin, cà rốt chứa đầy chất chống lại vi rút, bắp, khoai lang giúp chống lại bệnh cúm, theo Medical News Today.

• Súp gà

Sẽ thiếu sót nếu không có món súp gà trong danh sách này - đó là món ăn lý tưởng cho mùa lạnh và cúm. Thực sự có bằng chứng khoa học chứng minh súp gà làm giảm các triệu chứng cúm hoặc cảm lạnh. Nghiên cứu cho thấy súp gà kích hoạt các tế bào bạch cầu - có tác dụng chống nhiễm trùng trong cơ thể, có khả năng giúp giảm viêm đường hô hấp, thông xoang mũi và mang lại sự dễ chịu ấm áp, theo Medical News Today.

• Gừng

Có thể kết hợp gừng với nước chanh mật ong để pha thành trà thảo dược.
Gừng có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn đi kèm với cúm và giúp cho quá trình tiêu hóa.

• Tỏi

Tỏi có đặc tính kháng vi rút và kháng khuẩn, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng, kể cả cảm lạnh hoặc cúm.
Nghiên cứu cho thấy những người bổ sung tỏi mỗi ngày trong 3 tháng, đã bị cảm lạnh ít hơn so với những người dùng giả dược.

• Sữa chua

Ăn sữa chua có chứa lợi khuẩn có thể giúp chống lại bệnh cúm. Một nghiên cứu cho thấy sữa chua lên men đã chống lại vi rút cúm

• Thịt đỏ rất giàu kẽm và selen giúp chống cảm cúm.

• Động vật có vỏ cũng chứa những yếu tố quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh.

• Nước

Uống nhiều nước có thể giúp tăng tốc độ phục hồi.

• Nước dừa

Nước dừa rất giàu kali, natri và clorua, có thể giúp bổ sung các chất điện giải mà cơ thể mất đi qua mồ hôi, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

• Những thực phẩm có thể làm chậm phục hồi, nên tránh

Sữa và thực phẩm nhiều dầu mỡ có thể làm tăng nguy cơ buồn nôn và khó tiêu, còn rượu có thể gây mất nước.
Bất cứ ai có triệu chứng cúm nặng thì nên đi gặp bác sĩ.
Ngoài ra, một số người có nguy cơ cao mắc các triệu chứng và biến chứng cúm nặng hơn, như người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em, người có bệnh, nên đi gặp bác sĩ sớm, theo Medical News Today.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.