Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature Communications (Anh) cho thấy, tuổi cơ thể chúng ta khác nhau và một số người có nguy cơ sớm với các vấn đề liên quan đến tuổi tác như bệnh tim và chứng mất trí nhớ, theo Runner’s World. Câu trả lời nằm ở lượng chất sắt trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét thông tin của khoảng 60.000 người sống thọ và thấy rằng các gien liên quan đến chất sắt có vai trò với sức khỏe.
“Các biến thể DNA dẫn đến nồng độ sắt trong máu cao hơn cũng đẩy nhanh tốc độ mắc bệnh liên quan đến tuổi tác của những người đó. Đây là bằng chứng hợp lý mạnh mẽ cho mối liên hệ nhân quả giữa mức độ sắt trong máu và lão hóa. Về cơ bản, lượng sắt dư thừa trong máu làm tăng tốc độ tác động tiêu cực liên quan đến tuổi tác”, tiến sĩ Paul Timmers thuộc Hội đồng nghiên cứu y khoa Viện Di truyền học & Y học phân tử, Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh) nói với Runner’s World.
Biết nồng độ sắt của bản thân là hữu ích. Sắt đóng vai trò không thể thiếu trong cơ thể nhưng khi quá nhiều, nó dễ làm hỏng các tế bào khỏe mạnh và theo thời gian, gây ra bệnh.
Tuy nhiên, mức độ sắt thấp cũng khiến ta có nguy cơ mắc bệnh. Ban đầu có thể là yếu người, mệt mỏi, về lâu dài là nguy cơ chấn thương và thậm chí tổn thương nội tạng cao. Loại thiếu máu này làm giảm nồng độ ô xy trong cơ thể và khiến tim phải làm việc vất vả. Tình hình có thể tệ hơn ở những người đang hạn chế calo và tránh các thực phẩm giàu chất béo như thịt đỏ - thường có hàm lượng sắt cao nhất.
May mắn là ta có thể dùng thực phẩm để tăng sắt trong cơ thể như các loại thịt đỏ, đậu, đậu phụ, rau bina, cải xoăn, sò ốc, khoai tây, hạt bí ngô, bông cải xanh, quinoa, gà tây, ngũ cốc... Nếu đã kết hợp những thực phẩm này vào chế độ ăn uống mà vẫn thấy có triệu chứng thiếu sắt - da nhợt nhạt, yếu, viêm lưỡi, móng giòn, tay và chân lạnh, khó thở - hãy gặp bác sĩ để kiểm tra cụ thể hơn, theo Runner’s World.
Bình luận (0)