Người bị suy thận bảo vệ sức khỏe như thế nào trong dịch Covid-19?

28/08/2020 05:02 GMT+7

Hầu hết trong số 30 ca mắc Covid-19 tử vong (đến sáng 27.8) tại Việt Nam là các bệnh nhân có bệnh mãn tính như ung thư, đái tháo đường, suy tim, suy thận, tăng huyết áp...; trong đó, các ca suy thận chiếm đa số.

Chú trọng sàng lọc tại các khoa bệnh mãn tính

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Y tế liên tục yêu cầu các bệnh viện (BV) tăng cường phân luồng, sàng lọc phát hiện sớm các ca mắc Covid-19, đặc biệt chú trọng chống nhiễm chéo trong BV, nhằm ngăn chặn ca bệnh xâm nhập lây lan.
Theo Bộ Y tế, qua khảo sát, nghiên cứu 402 bệnh nhân (BN) Covid-19 đang điều trị, có đến 68% không có biểu hiện lâm sàng, 15% biểu hiện lâm sàng nhẹ.
Các chuyên gia nhận định: Ngoài các biện pháp phòng chống dịch hiện nay tại các BV: phân luồng, cách ly, khám sàng lọc, các BV cần phải định kỳ xét sàng lọc người bệnh, đặc biệt chú trọng tại các khoa bệnh mãn tính, người bệnh nằm lâu như: đái tháo đường, tim mạch, hô hấp, thận nhân tạo để phòng ngừa nguy cơ cho BN và nhân viên y tế.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 28.8: Không có ca mắc mới, 12 bệnh nhân tiên lượng nặng

10 nguyên tắc cơ bản

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai (Hà Nội), lưu ý các BN chạy thận nhân tạo cần thực hiện, duy trì một số nguyên tắc sau để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
1 BN chạy thận nhân tạo di chuyển đến BV để lọc máu nên dùng xe cá nhân như: xe máy, ô tô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng.
2 Khi đến BV, cần phân luồng, xếp hàng đi lối riêng.
3 Chủ động tự cách ly, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người khác khi ở nhà cũng như khi lọc máu tại BV.
4 Đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, đặc biệt khi lọc máu, khi di chuyển và khi tiếp xúc với người khác.
5 Chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống có bị cách ly hay không để được hướng dẫn và giúp đỡ. Báo ngay cho nhân viên y tế khi có những triệu chứng như: sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, giảm khứu giác...
6 Không ăn uống, nói chuyện trong phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi, cần che miệng, khạc đờm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi bọc bỏ vào thùng rác y tế, sau đó vệ sinh tay cẩn thận.
7 Lọc máu xong về nhà ngay, tắm bằng nước ấm và thay quần áo mới.
8 Tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tránh uống nước quá nhiều, tránh ăn trái cây có nhiều kali.
9 Vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thông thoáng, mở cửa sổ, sử dụng quạt vào mùa nóng, không nên dùng điều hòa. Rửa tay thường xuyên.
10 Duy trì liên lạc và báo cáo về tình trạng sức khỏe với nhân viên y tế để được tư vấn sử dụng thuốc, chế độ ăn.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, lưu ý thêm: BN suy thận, chạy thận nhân tạo nên tránh ăn trái cây có nhiều kali, như: chuối tiêu, dưa hấu, nho, hoa quả sấy khô...; không dùng các thuốc được sắc, nước đun sắc từ các lá cây khô, vì có hàm lượng kali cao.

Đà Nẵng có trường hợp tái dương tính Covid-19 đầu tiên

Với người có sức khỏe bình thường, nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ trong năm; trong đó, nên thực hiện các xét nghiệm chức năng thận.
Các xét nghiệm cơ bản để đánh giá chức năng thận, với các chỉ số cơ bản: ure, creatine, xét nghiệm nước tiểu (10 thông số) và siêu âm thận. Đây là các xét nghiệm, siêu âm có thể giúp nhận biết suy thận giai đoạn sớm (nếu có).
Các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng này có chi phí rẻ, trung bình khoảng 500.000 đồng/lần thực hiện, nhưng giúp các bác sĩ đánh giá được sức khỏe thận, nhận biết dấu hiệu suy yếu của thận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.