Nhận biết chấn thương thận ở trẻ nhỏ

22/12/2019 08:25 GMT+7

Chấn thương thận ở trẻ em có tỷ lệ cao nhất trong các chấn thương thuộc hệ tiết niệu. Tuy nhiên, vì đó là chấn thương kín, không dễ nhận biết nên có thể trẻ đã không được đi khám sớm.

Theo Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), chấn thương thận là tình trạng thận tổn thương bị gây ra bởi lực từ bên ngoài tác động ngược chiều với lực bên trong của thận (máu và nước tiểu).
Các nguyên nhân gây chấn thương thận: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn thể thao. Trẻ có thể bị chấn thương đụng dập thận, dập thận nhẹ (tổn thương dập vùng vỏ, chưa đến vùng tủy thận), dập thận nặng (tổn thương dập vùng vỏ lan tới vùng tủy thận, kèm theo rách đài bể thận), vỡ thận, tổn thương cuống thận...
Chấn thương thận ở trẻ em có thể xảy ra với một số trường hợp có thận bất thường như: thận lạc chỗ, thận xoay không hoàn toàn, thận bất sản, bất thường đoạn nối bể thận - niệu quả, u nguyên bào thận.
Trẻ bị chấn thương thận có biểu hiện: đau vùng thắt lưng, đau tăng dần sau chấn thương; chướng bụng, nôn; đái ra máu (nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ đậm, trường hợp nặng có cục máu đông trong bàng quang gây tiểu khó). Dấu hiệu này rất có giá trị để bác sĩ đánh giá và tiên lượng mức độ chấn thương, vì vậy cha mẹ cần theo dõi nước tiểu của trẻ.
Trẻ có thể xuất hiện tình trạng nhiễm trùng như: sốt, đau tức vùng hạ sườn (nếu trẻ đến muộn) do khối máu tụ hoặc nước tiểu bị rỉ ra; khối căng gồ vùng mạn sườn thắt lưng do máu tụ đẩy lên. Có thể thêm các tổn thương phối hợp: gãy xương, vỡ bàng quang, rách da. Chấn thương thận nặng có thể dẫn đến sốc, với dấu hiệu: choáng, da xanh, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Các bác sĩ khuyến cáo: Người trông trẻ hoặc gia đình nên lưu ý, nhận biết các dấu hiệu để đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tùy thuộc vào mức độ chấn thương, trẻ sẽ được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật và các can thiệp khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.