Những ai có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

02/09/2019 10:47 GMT+7

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc bởi độc tính mạnh của vi khuẩn. Không chỉ điều trị cho người mắc bạch hầu, người sinh sống tại khu vực ổ dịch cũng cần được dự phòng.

Phân biệt với viêm họng thông thường

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu có giả mạc ở hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Xét nghiệm chẩn đoán bằng mẫu bệnh phẩm là chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Khởi đầu có sốt, mệt mỏi, đau họng. Cần lưu ý phân biệt với bệnh viêm họng có giả mạc mủ khác hoặc viêm amydan có hốc mủ.
Bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%. Bệnh bạch hầu có thể phát triển thành dịch, nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ.
Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.

Cách ly người bệnh, dự phòng người lành mang trùng

Cục Y tế dự phòng lưu ý, khi có dịch bạch hầu, địa phương cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly (đối với vụ dịch nhỏ ) và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.

Tiêm chủng đầy đủ giúp phòng bạch hầu và các bệnh nguy hiểm gây dịch cho trẻ nhỏ (ảnh minh họa) 

ẢNH  THÚY ANH 

Bạch hầu là một bệnh bắt buộc phải khai báo. Tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần (-). Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
Điều trị chống ngoại độc tố bạch hầu: tuỳ theo tình trạng bệnh mà chỉ định tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch, sử dụng kháng sinh. Cần điều trị dự phòng cho người lành mang vi khuẩn tại nơi có ổ dịch.
Theo PGS - TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cụ Y tế dự phòng, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, dịch bạch hầu thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch; giữ vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, vệ sinh mũi, họng hàng ngày); đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu trong Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng 
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.