Những cách giúp kiểm soát đường huyết tốt nhất

25/08/2020 11:18 GMT+7

Có nhiều phương pháp trị tiểu đường khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp tốt nhất phụ thuộc vào người bệnh đang mắc tiểu đường loại 1 hay loại 2. Dù mắc loại nào thì nguyên tắc chung là phải giúp hạ và kiểm soát đường huyết hiệu quả.

Những người bị tiểu đường loại 1, do tuyến tụy không thể tiết ra đủ insulin, nên cần phải điều trị thường xuyên bằng insulin, theo Business Insider.
Trong khi đó, những người bị tiểu đường loại 2 hay tiểu đường thai kỳ không phải lúc nào cũng cần insulin. Thông thường, bác sĩ khuyến nghị họ phải thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn.
Dưới đây là những cách giúp kiểm soát tiểu đường tốt nhất:

1. Dùng insulin

Insulin là loại hoóc môn do tuyến tụy tiết ra, giúp chuyển hóa đường glucose trong máu thành năng lượng đế cung cấp cho tế bào. Khi tuyến tụy không tiết đủ insulin, đường glucose sẽ tích tụ trong máu dẫn đến tăng đường huyết.
Người bị tiểu đường sẽ bổ sung lượng insulin thiếu hụt bằng thuốc tiêm hoặc thuốc uống. Với những người bị tiểu đường loại 2, phương pháp bổ sung insulin chỉ được sử dụng khi họ không thể thay đổi lối sống bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hay tập luyện thể thao, theo Business Insider.

2. Uống thuốc

Những người bị tiểu đường loại 1 có thể được kê một số loại thuốc nếu chức năng tuyến tụy có vấn đề. Các loại thuốc này có tác dụng kích thích tuyến tụy tiết insulin.
Những người bị tiểu đường loại 2 cũng có thể được kê các loại thuốc này khi không thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống hay tập luyện. Tuy nhiên, thuốc không được khuyến khích dùng cho những người bị tiểu đường thai kỳ.
Các loại thuốc thường được dùng cho bệnh nhân tiểu đường gồm metformin, sulfonylurea và thiazolidinedione (TZD), theo Business Insider.

Tập thể thao giúp người bị tiểu đường tăng quá trình trao đổi chất, chống lại tình trạng kháng insulin, đốt cháy đường glucose và giúp giảm cân

Ảnh minh họa: Shutterstock

3. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục rất quan trọng với bệnh nhân thuộc mọi loại tiểu đường, giúp tăng tốc độ trao đổi chất, chống lại tình trạng kháng insulin, đốt cháy đường glucose và giảm cân.
Người bị tiểu đường nên tập thể dục với cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần, trong đó có 2 ngày tập các bài sức mạnh nhắm vào các nhóm cơ chính như nâng tạ ngực, squat, cuộn bắp tay hay tập vai, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo.
Tập nâng tạ sẽ giúp cơ bắp đốt nhiều đường glucose hơn, loại bỏ đường khỏi máu, từ đó giúp hạ đường huyết.

4. Duy trì chế độ ăn lành mạnh

Ăn uống lành mạnh là cực kỳ quan trọng với người tiểu đường. Một số món nhiều đường và tinh bột trắng sẽ khiến đường huyết tăng lên rất nhanh.
Do đó, người bệnh cần hạn chế và cẩn thận với các món nhiều đường, tinh bột trắng. Họ cần ưu tiên ăn các món giàu protein, trái cây, rau củ, tinh bột phức tạp như các loại ngũ cốc nguyên hạt, theo Business Insider.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.