Những dấu hiệu bệnh răng miệng mà ai cũng cần biết

06/07/2017 09:01 GMT+7

Đương nhiên là bạn không nên ngó lơ mà cần phải gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để tránh tình trạng thêm nghiêm trọng. Cái răng cái tóc là gốc con người kia mà.

Bạn bất giác phát hiện răng bị ố vàng, hoặc đau nhức khi cắn hay có răng bị long...? Đó là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe răng miệng của bạn đang gặp vấn đề, theo Prevention.

Răng bỗng dưng thốn đau

Khi bạn thấy đau một hoặc nhiều chiếc răng khi cắn thì có thể bạn đang bị sâu răng, theo chuyên gia răng miệng Sally Cram ở Washington (Mỹ). 

"Có một loại vi khuẩn đặc biệt lấy đường từ thực phẩm và biến thành axit, gây ra sâu răng hoặc khiến răng bị thủng lỗ", bác sĩ Sally Cram nói. Và khi những lỗ thủng này càng sâu thêm thì sẽ khiến răng trở nên nhạy cảm và gây sâu răng.
Nếu cơn đau răng kéo dài cả tuần thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng Ảnh minh họa: Shutter Stock

Bác sĩ Sally lưu ý thêm rằng nếu cơn đau trên chỉ xảy ra một lần rồi hết trong thời gian ngắn và chỉ giới hạn ở một điểm nào đó thì không có gì phải lo lắng cả.
Nhức răng

Nếu răng bạn bị nhức hay nhói đau một đến hai ngày thì chưa sao, nhưng nếu kéo dài hơn một tuần thì rất có thể bạn có thói quen nghiến răng, theo Sherri Worth, một nha sĩ tại Newport Beach (California, Mỹ). 

Còn nếu răng đau kèm theo sưng nướu thì có thể bạn bị nhiễm trùng chân răng. Bạn nên đi khám sớm để biết chính xác tình trạng đau để còn điều trị kịp thời. 

Răng ố vàng 

Nói ngay cho bạn yên tâm là răng ố vàng không bao giờ là dấu hiệu của một loại bệnh răng miệng nghiêm trọng nào cả. Hiện tượng này chỉ cho thấy bạn dùng nhiều cà phê, trà, rượu hay các đồ uống dễ ám màu. Bạn chỉ cần chăm sóc răng miệng kỹ với kem đánh răng giúp làm trắng hoặc một lần ghé qua nha sĩ là giải quyết được vấn đề ngay. 
Bạn nhớ đánh răng 2 lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa đều đặn để ngăn ngừa các bệnh về răng Ảnh minh họa: Shutter Stock

"Tuy nhiên, bạn nhớ súc miệng lại bằng nước sau khi dùng trà, cà phê, rượu vang... để răng khỏi bị ố vàng", bác sĩ Worth khuyên. 

Răng đột ngột lỏng lẻo hoặc cong lệch

Nếu đầu chưa bạc mà răng đã vội long và cong lệch hay thậm chí muốn rụng hoàn toàn thì chắc không cần đến nha sĩ, bạn cũng biết rõ tình hình trở nên nghiêm trọng rồi. "Đây là hậu quả của bệnh nha chu, gây mất xương xung quanh răng và hàm", bác sĩ Sally cho biết.

Nếu bạn không vệ sinh răng miệng phù hợp (bao gồm đánh răng 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, chăm sóc răng miệng ở nha khoa 2 lần/năm), mảng bám sẽ hình thành và cứng lại thành cao răng. Cao răng ăn sâu vào nướu, thậm chí vào xương nếu chúng không được làm sạch kịp thời. Nếu phát hiện răng bị long đột ngột, bạn hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt.
Nên khám răng định kỳ 2 lần/năm Ảnh minh họa: Shutter Stock


Nướu sưng đỏ hay chảy máu

Đó có thể là do hiện tượng kích ứng thường gặp trong thai kỳ hoặc do thay đổi hormone. Hoặc cũng có thể nướu răng bị tình trạng tích tụ vi khuẩn. Nếu bạn siêng đánh răng, dùng chỉ nha khoa và thấy nướu hết đau nhức trong một hai ngày thì không có gì nghiêm trọng, Pia Lieb, một nha sĩ thẩm mỹ ở New York (Mỹ) cho biết. Song, nếu tình trạng đau nướu hay chảy máu kéo dài hơn một tuần thì đó có thể là một dấu hiệu khác của bệnh viêm nha chu. Lúc này, bạn đi gặp bác sĩ ngay là tốt nhất.
Vết loét trong miệng

Vết loét gây đau nhức trong miệng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn ăn quá nhiều cam, quýt hay đồ cay nóng, theo bác sĩ Worth. Nếu tình trạng này kéo dài chỉ 2 hoặc 3 ngày thì không sao. Còn khi vết loét kéo dài thì có lẽ bạn đang thiếu vitamin A nghiêm trọng. Hãy siêng ăn cà rốt, rau bina... Nếu tình hình không cải thiện thì bạn nên gặp bác sĩ sớm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.