“Theo định nghĩa y khoa thì say nắng là khi nhiệt độ bên trong cơ thể vượt qua 40 độ C”, MSN dẫn lời tiến sĩ Emma Wedgeworth, bác sĩ da liễu của Quỹ da liễu Anh (BSF).
Có những trường hợp da bên ngoài bị cháy nắng và nhiệt độ cao cũng có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong, chẳng hạn như não bộ, do tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao. Đặc biệt, say nắng sẽ kèm theo triệu chứng cơ thể bị mất nước, bà Wedgeworth cho hay.
Ngoài ra, say nắng cũng kèm theo một số triệu chứng khác như co giật, bất tỉnh, nhức đầu, da cháy nắng, buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, cơ bắp yếu sức, theo MSN.
“Tồn tại một nghịch lý là dù nhiệt độ cao nhưng những người bị say nắn có thể không thực sự đổ mồ hôi”, bà Wedgeworth nói thêm.
Tuy nhiên, người say nắng nếu bị nhẹ sẽ có các triệu chứng như ngất xỉu tạm thời, kiệt sức và chuột rút. Nguyên nhân xuất hiện các triệu chứng này là vì tế bào của cơ thể cần một nhiệt độ ổn định để đảm bảo hoạt động tốt.
Do đó, khi cơ thể tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến quá trình hoạt động của tế bào bị ảnh hưởng, từ đó tác động tiêu cực đến các hệ cơ quan của cơ thể. Đặc biệt, những người cao tuổi,sức khỏe kém hay những người mắc bệnh mạn tính rất dễ bị ảnh hưởng bởi say nắng, các chuyên gia cho biết.
“Say nắng thực sự là trường hợp cần phải được chăm sóc y tế. Do đó, bạn cần tìm sự hỗ trợ càng sớm càng tốt. Trong khi đó, hãy tìm đến những nơi bóng râm hay mát mẻ hơn, uống nhiều nước và cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết”, bà Wedgeworth nói.
Sau đó, hãy dùng quạt hay miếng bọt biển, khăn thấm nước mát để làm dịu nhiệt độ cơ thể. Đặc biệt là người say nắng phải ngưng vận động, nhất là khi đang tập luyện thể thao.
Bình luận (0)