Tĩnh mạch ở chân có nhiệm vụ mang máu từ các ngón chân lên tim. Một nắp nhỏ, hay còn gọi là van, nằm trong lòng tĩnh mạch sẽ không để dòng máu chảy ngược (từ tim xuống chân) và lực bơm từ các cơ ở chân sẽ giúp đẩy dòng máu lên tim dễ dàng hơn. Nếu van tĩnh mạch yếu, máu có thể sẽ bị tích lại trong tĩnh mạch, đặc biệt là tĩnh mạch ở chân, do đó làm tăng áp lực lên tĩnh mạch. Hậu quả của việc tăng áp lực tĩnh mạch là cơ thể sẽ phải cố để kéo giãn tĩnh mạch ra để bù lại, và kết quả là làm cho tĩnh mạch phình và mỏng hơn, dẫn đến tình trạng tĩnh mạch xoắn vào nhau.
Theo Everydayhealth, dưới đây là những cách hiểu sai lệch về bệnh giãn tĩnh mạch mà nhiều người mắc phải.
Chỉ là vấn đề về thẩm mỹ
Rất nhiều người cho rằng giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề về thẩm mỹ. Tuy nhiên, thực tế không chỉ vậy. Một tỷ lệ rất lớn những người bị giãn tĩnh mạch phát triển các triệu chứng như: đau âm ỉ, cảm thấy nặng chân, đau nhói, chuột rút, sưng chân, khô và ngứa da chân nghiêm trọng, đặc biệt là vùng da gần vị trí giãn tĩnh mạch. Những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch cũng thường có nguy cơ cao hình thành các cục máu đông hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.
Là dấu hiệu lão hóa
Lão hóa làm tình trạng giãn tĩnh mạch tệ hơn, nhưng không phải xảy ra với tất cả mọi người. Hơn nữa, không chỉ có người lớn tuổi, người trẻ cũng có thể bị giãn tĩnh mạch chân, vì thực tế có những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch khi chỉ mới 13 tuổi, nên không thể đổ lỗi do lão hóa. Ngoài ra, giãn tĩnh mạch chân còn do gien, do thay đổi nồng độ hormone.
tin liên quan
Suy giãn tĩnh mạchTôi 40 tuổi, nữ giới. Công việc của tôi thường phải đứng nhiều. Buổi tối hay bị mỏi chân, tôi thường phải nằm gác chân lên cao một lúc cho đỡ bớt.
Chỉ là vấn đề của phụ nữ
Mặc dù giãn tĩnh mạch phổ biến ở nữ giới, nhưng nam giới cũng có thể mắc bệnh này. Khoảng ¼ nữ giới bị giãn tĩnh mạch có thể nhìn thấy được, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chiếm 10-15%.
Chạy có thể gây ra giãn tĩnh mạch
Tập thể dục luôn luôn tốt cho hệ tuần hoàn. Đi bộ hoặc chạy giúp cho cơ ở bắp chân bơm máu về tim tốt hơn. Do đó, giả thuyết cho rằng tập thể thao làm tăng nguy cơ bệnh giãn tĩnh mạch chân là hoàn toàn không có cơ sở.
Giãn tĩnh mạch luôn nhìn thấy được
Thông thường, giãn tĩnh mạch chân dễ dàng nhìn thấy ngay trên bề mặt của da, nhưng đôi khi nó cũng có thể xảy ra ở những vùng sâu hơn của cơ thể, ở những nơi không nhìn thấy được. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kết cấu của chân. Nếu chân có nhiều mô mỡ giữa da và cơ, khó có thể nhìn thấy tĩnh mạch bị giãn.
tin liên quan
Dân văn phòng hay 'dính' bệnh gì, phòng tránh cách nào?Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tính chất công việc không đòi hỏi phải đi lại nhiều nên số người làm công việc văn phòng khá nhiều.
Đứng nhiều gây giãn tĩnh mạch
Các chuyên gia y tế cho biết việc đứng lâu có thực sự là nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch hay không vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, mọi người thường nhận thấy triệu chứng của giãn tĩnh mạch rõ hơn khi họ đứng hoặc ngồi.
Phẫu thuật là lựa chọn duy nhất
Trước đây, để điều trị chứng này chỉ có thể phẫu thuật để loại bỏ tĩnh mạch bị giãn. Nhưng ngày nay, những thủ thuật nhỏ, không xâm lấn, không để lại sẹo là điều trị thích hợp mà các bệnh nhân giãn tĩnh mạch lựa chọn. Ví dụ như việc dùng một mũi kim để truyền nhiệt đến tĩnh mạch, làm cho tĩnh mạch co lại và không hoạt động nữa hoặc với giãn tĩnh mạch nhẹ có thể dùng tia laser để xử lý.
Giãn tĩnh mạch có thể chữa khỏi
Việc điều trị tuy có hiệu quả nhưng không thể chữa khỏi chứng giãn tĩnh mạch. Đôi khi, chứng giãn tĩnh mạch sẽ tái phát sau khi điều trị.
Bình luận (0)