Một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Mary Beth Spitznagel thuộc Đại học bang Kent (Mỹ) đã phát hiện ra rằng những người nuôi chó và mèo mắc bệnh mạn tính hoặc giai đoạn cuối có nhiều khả năng bị trầm cảm, căng thẳng tâm lý và lo lắng hơn những người nuôi thú cưng khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu Đan Mạch thì cho biết, cảm giác buồn bã, tội lỗi và mất mát khi chăm sóc những con chó bị bệnh mạn tính tương tự như cảm xúc của những người chăm sóc đối với người thân, theo PT.
Báo cáo nghiên cứu trên Tạp chí Hành vi Thú y của nhân viên xã hội lâm sàng Kristin Buller và tiến sĩ, nhà hành vi thú y Kelly Ballantyne, tiết lộ kết quả nghiên cứu định tính về những căng thẳng liên quan đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi có các vấn đề về hành vi (sủa, hú, phá đồ đạc, tiểu tiện và đại tiện linh tinh, sợ hãi, lo lắng, run rẩy, gây hấn, vồ hoặc cắn người hoặc động vật khác).
Hầu hết các chủ sở hữu cho biết họ tốn nhiều thời gian và tiền bạc vào thú cưng. Nào là bỏ thời gian rèn thói quen cho chúng, chó dữ còn phải canh chừng liên tục, đôi khi chủ còn không thể rời nhà khi muốn; nào là tiền cho thú cưng khám bác sĩ thú y hoặc thuê huấn luyện rất tốn kém. Thậm chí, có người cảm thấy bị cô lập vì bạn bè không thích vật nuôi, mối quan hệ xuất hiện mâu thuẫn vì thú cưng không ngoan, theo PT.
Một số chủ sở hữu miêu tả cảm giác tích cực nhưng hầu hết đều cho thấy cảm xúc tiêu cực về thú cưng có vấn đề. Có trường hợp thấy lo sợ rằng con chó của mình sẽ cắn ai đó; buồn bã vì mèo cưng không bao giờ sống bình thường như con vật khỏe, ngoan khác; thất vọng khi những nỗ lực huấn luyện thú cưng không thành công; và đau đớn mối lẫn nghĩ đến cảnh vật nuôi chết...
Để đối phó với việc sống chung cùng những con vật khó tính, đa số chủ nuôi chọn cách chấp nhận. Khi thấy căng thẳng, khó chịu, họ sẽ cố gắng nghĩ đến những mặt tích cực của thú cưng. Một số chủ sở hữu chia sẻ về sự thiếu hiểu biết và kiến thức chăm thú cưng. Chẳng hạn như không biết nơi có thể giúp đỡ hoặc đi đâu để lấy thông tin về hành vi của thú cưng.
Ngoài ra, một số người cho hay bản thân thất vọng với bạn bè vì họ không hiểu, không muốn nghe hay chia sẻ những khó khăn khi nuôi thú cưng của mình. Một số lại than người khác cứ hay đổ lỗi cho họ về vấn đề của thú cưng. Những điều này càng làm tăng gánh nặng tâm lý cho chủ vật nuôi, theo PT.
Bình luận (0)