Phát hiện loại tế bào gan mới giúp chữa tổn thương gan

05/08/2019 11:26 GMT+7

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra một loại tế bào gan mới. Tế bào này có khả năng tái tạo mô gan bị tổn thương, mang lại hi vọng có thể giúp điều trị suy gan mà không cần ghép tạng.

Các nhà khoa học gọi tế bào mới này là tế bào nguyên gốc lai gan (HHyP). Chúng hình thành trong quá trình phát triển ban đầu của thai nhi trong bụng mẹ, theo Nature.
Điều gây ngạc nhiên là HHyP cũng tồn tại ở người trưởng thành. Tuy nhiên, số lượng của chúng là ít.
HHyP có thể phát triển thành 2 lại tế bào chính ở gan người trưởng thành là tế bào gan và tế bào lót ống dẫn mật. Điều này khiến HHyP có những đặc tính giống tế bào gốc.
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra đặc tính này trên chuột. Họ phát hiện HHyP cũng giống như tế bào gốc là có khả năng chữa lành gan chuột bị tổn thương một cách nhanh chóng, chẳng hạn như bị xơ gan.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện được những tế bào có đặc tính giống tế bào gốc tồn tại trong gan người”, tiến sĩ Tamir Rashid, tác giả chính của nghiên cứu tại King's College London (Anh), cho biết.
Tế bào HHyP có thể mang lại rất nhiều công dụng trong lĩnh vực y học tái tạo, giúp điều trị bệnh gan, thậm chí là điều trị mà không cần phải ghép gan, tiến sĩ Rashid nói thêm.
Hiện tại, nhóm khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để có thể ứng dụng phát hiện mới của họ vào điều trị lâm sàng.
Bệnh gan có thể gây nguy hiểm và dẫn đến tử vong. Tại Anh, các bệnh về gan là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ năm và là nguyên nhân gây chết sớm nhiều thứ ba. Mỗi năm, quốc gia này đang chứng kiến số ca mắc gan ngày càng tăng, theo Nature.
Những nguyên nhân gây bệnh gan phổ biến nhất gồm béo phì, viêm gan do virus, lạm dụng rượu bia, bệnh tự miễn và một số loại bệnh khác.
Những triệu chứng phổ biến của bện gan gồm vàng da, ngứa da, cơ thể bị yếu, mệt mỏi. Trong những trường hợp nặng, cách điều trị hiệu quả duy nhất là phải ghép gan. Tuy nhiên, người ghép gan đối mặt hàng loạt nguy cơ biến chứng trong suốt cuộc đời họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.