Rửa tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Shigella, E.coli, vốn là nguyên nhân gây các bệnh tiêu chảy và làm tử vong hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Shigella, E.coli, vốn là nguyên nhân gây các bệnh tiêu chảy và làm tử vong hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.

Các chuyên gia y tế khuyên rằng, để phòng chống lây nhiễm các bệnh đường tiêu hóa, các nhiễm khuẩn cấp tính gây nguy hiểm cho đường hô hấp xuất hiện gần đây (SARS, Cúm A (H5N1, H7N9, tay chân miệng...), mọi người cần giữ cho đôi bàn tay sạch sẽ. Bởi theo các nhà khoa học, trên 1 cm2 da của người bình thường có chứa tới 40.000 vi khuẩn. Đặc biệt số lượng này còn nhiều hơn ở trên da bàn tay, vốn là nơi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với mọi vật xung quanh chúng ta.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều người còn xem thường sự quan trọng của việc rửa tay sạch sẽ, thậm chí biết rõ tác hại của việc không rửa tay thường xuyên nhưng vẫn không thực hiện. Điều tra về “Thực trạng vệ sinh môi trường nông thôn Việt Nam” năm 2006 do Cục Y tế dự phòng Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng cấp nước và Vệ sinh môi trường của Trường Đại học Y Thái Bình thực hiện cho thấy, kiến thức phòng bệnh tiêu chảy và bệnh giun còn rất hạn chế ở hầu hết các nhóm đối tượng.
Tỷ lệ người dân trả lời đúng về một số nội dung phòng bệnh tiêu chảy và bệnh giun sán bằng cách sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đại tiểu tiện, rửa tay xà phòng, tẩy giun định kỳ, không sử dụng phân tươi còn rất thấp. Tỷ lệ đối tượng không rửa tay thường xuyên khá cao (trước khi ăn là 69,7%, sau khi tiểu tiện 79,6%, sau khi đại tiện là 68,1%). Tỷ lệ đối tượng thường xuyên rửa tay bằng xà phòng rất thấp (trước khi ăn là 12,8%; sau khi đi tiểu tiện là 15,5%; sau khi đi đại tiện là 16,9%).
Bên cạnh đó, đối với nhóm đối tượng thực hiện hoặc thường xuyên thực hiện việc rửa tay, rất ít người biết rửa tay đúng cách. Phần lớn chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Hầu hết người dân không chú ý đến việc rửa sạch mu bàn tay, cũng như các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của các mầm bệnh và vi khuẩn gây hại.
Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm. Thống kê các bệnh truyền nhiễm năm 2008 của Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế cho thấy 10/26 bệnh truyền nhiễm gây dịch được giám sát có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân, cao nhất theo thứ tự là cúm, tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, lỵ trực khuẩn, quai bị, lỵ amíp, viêm gan, thủy đậu.
Trong những gần đây, mỗi năm có khoảng gần 100.000 lượt người mắc tiêu chảy, 40.000-50.000 lượt người bị lỵ trực khuẩn hoặc thương hàn... trên thực tế con số này còn cao hơn nhiều do bệnh nhân điều trị tại nhà và không đến cơ sở y tế. Theo báo cáo của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, hàng năm vẫn còn có khoảng 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia nghèo chết do tiêu chảy. Như vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 trẻ em chết vì căn bệnh này.
Dưới đây là quy trình rửa tay sạch sẽ đúng cách do Bộ Y tế khuyến cáo gồm 6 bước:
Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
Mỗi bước “chà” 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.