Trước đó vài ngày, bé V.T.M.D (13 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng) được đưa vào Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng đau quặn bụng kèm nôn mửa.
Bệnh nhi được ê kíp cấp cứu thực hiện các xét nghiệm cho kết quả gần như bình thường, nhưng cơn đau không thuyên giảm. Khi thực hiện siêu âm bụng, các bác sĩ nghi ngờ có khối bã thức ăn trong dạ dày và một đoạn cuối hồi tràng gây tắc ruột.
Bác sĩ Lê Đức Toàn, Khoa Ngoại nhi (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), cho biết kết quả CT Scan ngay sau đó cũng cho thấy hình ảnh bã thức ăn đã chiếm gần hết lòng dạ dày, khiến các quai ruột non giãn lớn…
|
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật lấy bã thức ăn ra khỏi dạ dày và ruột. “Đó là một khối búi tóc lớn, kích thước 30x10x4 cm, nằm ở dạ dày chiếm gần hết lòng dạ dày và nặng hơn 800 gr. Bên cạnh đó còn có một khối búi tóc khác nhỏ hơn 10x4x2 cm nằm đoạn cuối hồi tràng gây tắc ruột và các quai ruột giãn lớn gây ứ dịch”, bác sĩ Toàn cho biết.
Cũng theo bác sĩ Toàn, rất may bệnh nhi được can thiệp phẫu thuật trước khi khối tóc gây viêm thủng dạ dày, viêm phúc mạc và biến chứng có thể nguy hiểm tính mạng bất kỳ lúc nào.
“Hội chứng tóc mây” Rapunzel
Theo nghiên cứu y khoa, đây là hội chứng Rapunzel, còn gọi là “hội chứng tóc mây”, có những người thích ăn tóc.
Hội chứng Rapunzel là tình trạng rất hiếm gặp, người bệnh thường có biểu hiện ăn chính tóc của mình. Những nhúm tóc bị rối, mắc kẹt trong dạ dày sẽ dần tạo thành một búi to và mắc kẹt vào tận ruột non. Có khoảng 85 - 95% số bệnh nhân bị mắc hội chứng này thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sưng tấy dạ dày, giảm cân nhanh, táo bón, tiêu chảy. Một số trường hợp còn bị thủng ruột dẫn đến nhiễm trùng máu và tử vong.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Toàn, Rapunzel là một hội chứng của bệnh lý Bezoar dạ dày, một dạng bệnh lý hiếm gặp với tỉ lệ mắc khoảng 0,5%. Nó có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hoá, nhưng thường gặp nhất ở dạ dày.
“Bệnh lý này thường xảy ra ở những trẻ có rối loạn tâm thần ám ảnh. Những khi căng thẳng, áp lực, các bé hay bứt tóc của mình để ăn, hoặc ăn những vật cứng gì đó”, bác sĩ Toàn nói.
Qua khai thác tiền sử sinh hoạt, các bác sĩ cũng phát hiện cháu D. có thói quen nhai tóc và ăn tóc nhiều năm liền… Theo các bác sĩ, việc điều trị tâm lý cho cháu D. sau phẫu thuật rất quan trọng để phòng ngừa việc ăn tóc tái phát về sau.
“Các phụ huynh nên quan sát, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, tự bứt tóc của mình ăn thì hãy đưa trẻ đi khám và điều trị tâm lý kịp thời. Nếu xuất hiện bệnh lý Bezoar dạ dày thì nên được nội soi tiêu hóa hoặc phẫu thuật gắp bã thức ăn, hoặc búi tóc, tránh tắc ruột và các biến chứng gây thủng ruột, nhiễm trùng và nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Toàn tư vấn thêm.
Bình luận (0)