Thử nghiệm thành công loại vắc xin trị lao

03/11/2019 08:28 GMT+7

Loại vắc xin mới được chứng minh là có thể chặn đứng loại bệnh lao phổ biến nhất thế giới . Các nhà khoa học kỳ vọng thuốc sẽ giúp kiểm soát căn bệnh dễ lây lan này.

Lao tiềm ẩn được xem là loại lao phổi phổ biến nhất thế giới. Khi đã bị nhiễm, phần lớn người bệnh sẽ không có bất kỳ triệu chứng gì, theo Daily Mail.
Tuy nhiên, họ vẫn mang trong người vi khuẩn lao, có thể phát bệnh và lây cho cộng đồng. Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã dùng vắc xin để điều trị cho gần 3.600 người bị lao tiềm ẩn ở 3 nước châu Phi gồm Kenya, Nam Phi và Zambia.
Một nửa được tiêm 2 liều vắc xin cách nhau 1 tháng. Một nửa còn lại được tiêm giả dược. Toàn bộ được theo dõi trong 3 năm. Kết quả cho thấy vắc xin đã ngăn ngừa lao phát bệnh trên khoảng 50% những người tham gia nghiên cứu.
Đây được xem là kết quả rất tích cực. Vì chỉ cần kiểm soát được một phần lao tiềm ẩn cũng có thể giúp ngăn ngừa rất nhiều ca bệnh cũng như hạn chế được sự lây lan.
Vắc xin mới có tên là M72/AS01E, do một nhóm các nhà khoa học quốc tế phát minh. Thành phần của thuốc được tạo ra chủ yếu từ các protein của vi khuẩn lao. Khi tiêm vào cơ thể, nó sẽ kích hoạt hệ miễn dịch người bệnh, theo Daily Mail.
Các nhà khoa học cũng cho biết sẽ cần tiến hành thêm một số nghiên cứu sâu hơn để hoàn thiện thuốc. Thời gian ước tính có thể mất thêm vài năm.
Trước đây, y học thế giới cũng tạo ra một loại vắc xin có tên là BCG. Tuy nhiên, nó không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn lao và chỉ dùng cho trẻ em.
Khoảng 1/4 dân số thế giới có thể đang mắc lao tiềm ẩn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trong số đó phát triển thành lao. Các triệu chứng thường gặp của lao là chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, sốt cao và đổ mồ hôi về đêm, theo Daily Mail.
Phần lớn bệnh nhân bị lao ở phổi, gây ho dai dẳng, đờm có máu hoặc khó thở. Nguyên nhân gây khó thở và khiến triệu chứng ngày càng nặng là vì vi khuẩn xâm nhập vào phổi, khiến phổi ứ đầy chất lỏng, làm giảm lượng ô xy hấp thụ.
Ước tính mỗi năm có khoảng 10 triệu ca mắc lao mới và 1,5 triệu người tử vong vì căn bệnh này trên khắp thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nỗ lực để giảm đến 90% số ca nhiễm mới và 95 % số ca tử vong vào năm 2035.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.