Tiêm chủng mùa Covid-19, làm sao để an toàn?

26/04/2020 09:08 GMT+7

Các điểm tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường sau thời gian tạm dừng tiêm chủng đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhằm giảm nguy cơ bệnh truyền nhiễm bùng phát nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ.

Để an toàn cho trẻ khi đi tiêm chủng, dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia đã có hướng dẫn tổ chức tiêm chủng thường xuyên trong bối cảnh có dịch Covid-19.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng ban Điều hành dự án TCMR quốc gia, cho biết cụ thể như sau:
Tại thời điểm đang có dịch Covid-19, tổ chức buổi tiêm chủng cùng với việc đảm bảo an toàn tiêm chủng theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế và hướng dẫn của dự án TCMR, cần thực hiện thêm các hướng dẫn cụ thể để phòng dịch Covid-19. Theo đó, cần lập kế hoạch buổi tiêm chủng, lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng theo khung giờ, đảm bảo không quá 20 người/điểm tiêm chủng trong cùng thời điểm, không quá 50 người/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng.
Sàng lọc đối tượng trước buổi tiêm chủng cần lưu ý: Trẻ đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm đường hô hấp thì chủ động tư vấn không đưa trẻ đi tiêm chủng. Người đưa trẻ đi tiêm chủng không có các dấu hiệu ho, sốt... nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, không có tiền sử tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 trong vòng 14 ngày.
Tại điểm tiêm chủng: Vị trí chờ tiêm phải thông thoáng, đủ ghế ngồi, cách nhau tối thiểu 2 m. Bố trí theo quy tắc 1 chiều, khoảng cách tối thiểu 2 m giữa các bàn/vị trí tiêm chủng.
Phòng theo dõi trẻ sau tiêm 30 phút cần được tăng thêm diện tích để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m giữa các đối tượng.
Không sử dụng máy điều hòa trong buổi tiêm chủng, đảm bảo không gian thông thoáng.
Để đảm bảo tính giãn cách, mỗi buổi tiêm có thể tiếp nhận trẻ ít hơn, do đó các điểm tiêm chủng có thể tăng số buổi tiêm tại các trạm y tế, triển khai thêm điểm tiêm chủng ngoài trạm tại các thôn bản, đồng thời lưu ý tổ chức tiêm bù vắc xin sớm nhất cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ trước đó.
Thưa ông, các biện pháp nào cần thực hiện để phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại buổi tiêm chủng?
GS Đặng Đức Anh: Đơn vị tiêm chủng cần bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế, đối tượng tiêm chủng và cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Theo đó, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ điểm tiêm chủng, khử khuẩn trước và sau buổi tiêm chủng bằng hình thức lau với dung dịch sát khuẩn hoặc chloramine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cán bộ y tế và người đến tiêm chủng phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như: đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, kiểm tra thân nhiệt theo quy định tại điểm tiêm chủng.
Trong trường hợp phát hiện người đi tiêm chủng là trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 trong vòng 14 ngày, cần dừng ngay buổi tiêm chủng và thực hiện quản lý các trường hợp này theo quy định.
Do mức độ dịch Covid-19 diễn biến khác nhau tại mỗi địa phương, tổ chức TMCR được áp dụng như thế nào?
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã phân loại các tỉnh, TP thành 3 nhóm: có nguy cơ cao, có nguy cơ, có nguy cơ thấp.
Đối với các tỉnh, TP thuộc nhóm có nguy cơ thấp: tiếp tục thực hiện tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo an toàn tiêm chủng và các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 theo quy định.
Đối với các tỉnh, TP thuộc nhóm có nguy cơ cao và có nguy cơ: tạm hoãn triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên và thực hiện quản lý đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ ngay sau khi đủ điều kiện tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.