Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM:
Cơ thể chúng ta có được miễn dịch với Covid-19 là nhờ nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo những gì mà y khoa hiểu biết về Covid-19 cho đến nay thì miễn dịch có được sau khi nhiễm bệnh là không bền vững.
Vì vậy, các tổ chức, chuyên gia y tế trên thế giới vẫn khuyến cáo nên tiêm ngừa vắc xin Covid-19 đối với cả những người đã từng mắc Covid-19.
Trong bối cảnh đại dịch, hiện nay việc tiêm vắc xin Covid-19 của tất cả các hãng đều không cần phải làm các xét nghiệm Covid-19.
Những vắc xin Covid-19 hiện có và được sử dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam là vắc xin véc tơ hoặc vắc xin mRNA, chỉ tạo ra trình diện protein gai SARS-CoV-2 trên bề mặt tế bào để hệ miễn dịch nhận diện và tạo kháng thể. Vắc xin không phải là vi rút nguyên vẹn để có tính sinh bệnh.
Vì vậy, trong trường hợp một người đang bị nhiễm Covid-19 mà không biết và được tiêm vắc xin thì vắc xin cũng không ảnh hưởng gì đến tiến triển bệnh của người đó.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn chưa đủ số lượng vắc xin để tiêm cho mọi người dân, nên Bộ Y tế mới có hướng dẫn những người đã bị Covid-19 trong vòng 6 tháng thì trì hoãn tiêm, do trong cơ thể vẫn còn kháng thể với Covid-19.
|
Bình luận (0)