Thông tin với báo chí chiều 31.3, bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), cho biết bình quân mỗi năm Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận hơn 2.000 thai phụ bị tiền sản giật có chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Trong số này, có 10% trong tình trạng nặng.
“Tiền sản giật, sản giật là nguy cơ gây tử vong cho bà mẹ đứng thứ hai, kế băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Từ Dũ” - bác sĩ Lê Quang Thanh cho biết.
Tiền sản giật có thể xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ cho đến 6 tuần đầu sau sinh. Biểu hiện thường gặp gồm: cao huyết áp (từ 140/90mmHg), có đạm trong nước tiểu (đạm niệu), phù. Nếu nặng còn bị hoa mắt, chóng mặt, ngộp thở… Có thể đưa đến cơn co giật rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai nhi.
Tiền sản giật có thể gây suy thai, sinh non…
Còn sản giật là biến chứng cấp tính của tiền sản giật, thai phụ bị co giật, hôn mê. Nếu không xử trí kịp thời dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, trước đây do phương tiện chẩn đoán, test còn hạn chế nên tiền sản giật có khi bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với bệnh lý khác.
Hiện Bệnh viện Từ Dũ và một số bệnh viện sản khoa lớn trong nước đã áp dụng xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng tiền sản giật - giúp chẩn đoán tiền sản giật chính xác hơn, giúp theo dõi, tiên lượng tình trạng để bác sĩ có chỉ định xử trí phù hợp, tốt nhất cho thai phụ và thai nhi.
Bình luận (0)