Tiểu ra máu ở phụ nữ là bệnh gì?

04/06/2019 09:11 GMT+7

Máu trong nước tiểu thường là do nhiễm trùng, các vấn đề về thận hoặc chấn thương.

Tiểu ra máu có thể xảy ra khi một phần của đường tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang và niệu quản bị tổn thương kéo dài hoặc bị kích thích, theo Medicine News Line.
Tuy nhiên, máu xuất hiện trong nước tiểu không phải lúc nào cũng xuất phát từ đường tiết niệu.
Phụ nữ nếu thấy có máu trong nước tiểu ở giai đoạn ngoài chu kỳ kinh nguyệt, cần đi khám ngay.
Nguyên nhân khiến tiểu ra máu ở nữ giới có thể là:

Sỏi đường tiết niệu

Khoáng chất dư thừa có thể hình thành sỏi trong bàng quang và thận.
Sỏi có thể làm rách hoặc trầy xước niêm mạc đường tiết niệu và các cơ quan liên quan. Máu từ những vết thương này có thể hòa lẫn với nước tiểu, dẫn đến tiểu ra máu.
Sỏi trong đường tiết niệu có thể gây ra các triệu chứng sau đây: nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu, đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ, tiểu buốt, nước tiểu đục hoặc có mùi khác thường.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận là uống không đủ nước, ăn nhiều muối, bệnh đường tiêu hóa như bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng, các vấn đề về tuyến giáp, thừa cân hoặc béo phì, theo Medicine News Line.

Lạc nội mạc tử cung

Tiểu ra máu đi kèm với đau lưng dưới nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô lẽ ra phát triển bên trong tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung.
Lạc nội mạc tử cung thường liên quan đến các khu vực như lớp lót ngoài của tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng.
Nếu không điều trị, lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh.

Ung thư

Ung thư thận hoặc bàng quang cũng có thể gây tiểu ra máu.
Có thể có ngày có, có ngày không. Tuyệt đối không nên đợi máu xuất hiện trở lại rồi mới đi khám.
Ung thư bàng quang có thể khiến đi tiểu nhiều lần hơn hoặc ít hơn.
Ung thư thận thường không ảnh hưởng rõ nét đến việc tiểu tiện, nhưng có thể gây đau lưng dưới, theo Medicine News Line.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến của tiểu ra máu.
Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn nam giới.
Theo Viện Tiểu đường Bệnh tiêu hóa và Thận quốc gia Mỹ, ít nhất 40 - 60% phụ nữ từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn từ ruột xâm nhập vào niệu đạo và ống dẫn tiểu ra khỏi cơ thể. Nhiễm trùng tiết niệu có thể đi lên niệu đạo và nhiễm trùng niệu quản, thận hoặc bàng quang.
Nhiễm trùng tiết niệu khiến mắc tiểu thường xuyên và đột ngột.
Các triệu chứng khác của nhiễm trùng tiểu có thể bao gồm tiểu buốt, nước tiểu đục hoặc có mùi khác thường, có máu trong nước tiểu, đau tức ở vùng thắt lưng, bụng hoặc vùng chậu.

Khi nào nên đi khám?

Không nên chần chờ khi thấy có máu trong nước tiểu. Ngay cả khi sau đó không thấy máu xuất hiện lại trong nước tiểu, vẫn phải đi khám.
Nên gặp bác sĩ nếu thấy có máu trong nước tiểu mà không phải chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt nếu đi kèm với các triệu chứng sau: đau dữ dội ở lưng dưới, bụng hoặc xương chậu, các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy hoặc buồn nôn, tiểu buốt, nước tiểu đục hoặc có màu bất thường, nước tiểu có mùi khác thường, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, theo Medicine News Line.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.