Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E, Hà Nội), liên tục trong tuần gần đây người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa này lên đến 80 người. So với những đợt dịch của các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm nay tăng gấp 2 - 3 lần. “Trước những diễn biến khó lường của bệnh, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột nên vào viện ngay. Bởi phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng kịp thời, giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến nặng rất nhanh”, bác sĩ Hạnh khuyến cáo.
Qua điều trị thực tế, các bác sĩ đã gặp các biến chứng của bệnh nhân sốt xuất huyết như: ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ (ở phụ nữ), đi ngoài phân đen, men gan tăng cao. Do đó, bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, lưu ý kỹ là các trường hợp nghi ngờ nên đến bệnh viện để được khám, hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Bệnh nhân mắc thể bệnh nhẹ, có thể cấp đơn thuốc và điều trị ngoại trú. Những bệnh nhân ở thể nặng, xuất hiện đau đầu, sốt cao, tiểu cầu giảm, bạch cầu giảm, có nhiều nốt xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng... sẽ được chỉ định vào viện theo dõi.
tin liên quan
Sốt xuất huyết vào đỉnh dịch 10 nămHiện cả nước có 58.624 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016, có 17 ca tử vong (tăng 1 ca so với cùng kỳ). Các chuyên gia lo ngại, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp.
Như trường hợp của bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, ở Q.Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp nhưng chỉ đến bệnh viện khi mệt nhiều. “Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy lượng tiểu cầu giảm chỉ còn 46G/L (trong khi chỉ số bình thường từ 150 - 500G/L). Các bác sĩ cho hay, tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể cầm máu. Khi tiểu cầu bị giảm, ảnh hưởng đến quá trình đông máu gây nên tình trạng xuất huyết.
Một bệnh nhân nữ (41 tuổi, cũng ở Q.Nam Từ Liêm) cho biết trước khi vào viện đã bị sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau... Các xét nghiệm tại bệnh viện xác định bệnh nhân dương tính với vi rút dengue gây sốt xuất huyết. “Trước tôi, trong gia đình có người em mắc sốt xuất huyết nhưng mọi người trong nhà chủ quan không phòng muỗi đốt. Tôi cũng nghĩ mình đã bị sốt xuất huyết từ nhiều năm trước sẽ không mắc lại nữa. Chủ quan vậy nên bị muỗi đốt lây bệnh cùng nhau”, bệnh nhân này chia sẻ.
tin liên quan
Dịch sốt xuất huyết lan rộng tại 61 tỉnh, thànhDịch sốt xuất huyết hiện đã xuất hiện tại 61/63 tỉnh, thành. Số ca mắc và tử vong đều tăng so với cùng kỳ 2016.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng mạnh, một số bệnh nhân phải nằm ghép. TS-BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết sai lầm từng gặp ở bệnh nhân là họ nhầm sốt xuất huyết với cảm sốt vì có kèm theo đau đầu. Thậm chí có người còn dùng kháng sinh vì thấy sốt và đau nóng họng nên tự chẩn đoán là viêm họng. Hoặc cũng có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng cơ sở y tế chẩn đoán nhầm là nhiễm trùng tiết niệu do bệnh nhân có sốt cao, đi tiểu ra máu. Ngay cả khi chẩn đoán đúng sốt xuất huyết nhưng dùng thuốc hạ sốt không đúng, chỉ định truyền tiểu cầu không phù hợp cũng làm bệnh diễn biến nặng. TS-BS Đỗ Duy Cường lưu ý thêm: “Mùa dịch năm nay hay gặp bệnh nhân sốt xuất huyết có suy thận. Do đó, bệnh nhân cần hạ sốt và bù nước đầy đủ khi sốt cao để tránh tình trạng này. Bù nước bằng đường uống là an toàn nhất. Không hạ sốt bằng thuốc Ibuprofen và aspirin vì tăng nguy cơ xuất huyết”. Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có kèm theo bệnh lý khác, bác sĩ cần cân nhắc kỹ khi chỉ định. Ví dụ như có bệnh tim rất cần cẩn trọng trong chỉ định truyền dịch, vì có thể làm cho bệnh tim nặng lên, nguy hiểm tính mạng.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, lo ngại: “Đã ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết rất nặng, thậm chí xuất huyết não tử vong do đến muộn, không cách gì cứu được. Tại thời điểm có dịch như hiện nay, người dân không nên chủ quan. Khi có sốt cao, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ... cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời”.
Bình luận (0)