Trung tâm đột quỵ đầu tiên châu Á đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng châu Âu

21/04/2019 16:36 GMT+7

20 năm qua, tỷ suất đột quỵ ở Việt Nam tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người/năm (1990) lên đến 254,78/100.000 người/năm (2010). Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, 11.000 người tử vong.

Sáng 21.4, Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM, vinh dự nhận “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” của Hội đột quỵ châu Âu. Như vậy, Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi đầu tiên tại châu Á nhận chứng nhận này. Đây cũng là Trung tâm đột quỵ lớn hàng đầu châu Á.
Trung tâm đột quỵ Bệnh viện 115 là sự kết hợp của Khoa Bệnh lý mạch máu não và Khoa chẩn đoán hình ảnh. Trung tâm đột quỵ 115 là nơi điều trị đột quỵ tiên phong của cả nước, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến về đột quỵ. Hiện cả nước đã có 73 đơn vị điều trị đột quỵ.
TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết để đạt được chứng nhận này, Trung đột quỵ Bệnh viện Nhân dân 115 phải đạt 7 tiêu chí: (1) Thời gian nhập viện đến khi được điều trị tái thông trong vòng 60 phút; (2) tỷ lệ điều trị tái thông 5-15%, trong tổng số bệnh nhân nhập việ; (3) tỷ lệ bệnh nhân được chụp MRI/CT Scanner trên 85%; (4) tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện; (5) tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện; (6) tỷ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt tại đơn vị đột quỵ; (7) tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng hồi sức tích cực.
Theo thống kê của Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Nhân d ân 115 thì số người bị đột quỵ não chiếm 85% trong các loại đột quỵ và nhập viện tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2016 có 10.351 bệnh nhân thì đến năm 2017 tăng lên 11.244 bệnh nhân và năm 2018 tăng lên 11.787 bệnh nhân.
TS- BS Thắng cho biết thêm, đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân hàng đầu làm giảm tuổi thọ. Hơn 20 năm qua, tỷ suất đột quỵ ở Việt Nam tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người/năm (1990) lên đến 254,78/100.000 người-năm (2010). Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, dẫn đến 11.000 người tử vong.
“Trong bệnh lý đột quỵ, đột quỵ nhồi máu não chiếm tỷ lệ cao nhất 85%. Trước đây các phương pháp điều trị cấp bị giới hạn bởi cửa sổ thời gian như thuốc tiêu sợi huyết - trong 4,5 giờ hay can thiệp mạch máu não lấy huyết khối thường quy - trong 6 giờ. Tại BV Nhân Dân 115, từ năm 2018, phương pháp can thiệp mạch máu não đã được mở rộng cửa sổ điều trị có thể lên đến 24 giờ và cứu được nhiều bệnh nhân”, TS-BS Thắng nói.
Theo đó, bằng cách sử dụng các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh học hiện đại, các bác sĩ sẽ xem xét tình trạng nhu mô não và hệ thống mạch máu não. Nếu bệnh nhân vẫn còn chỉ định, phương pháp can thiệp sẽ được tiến hành nhằm tái thông mạch máu, đem lại cho bệnh nhân khả năng phục hồi tốt hơn, giảm di chứng tàn phế và tử vong. Điều này đem đến cho bệnh nhân nhiều cơ hội được điều trị hơn. Tuy nhiên cần nhấn mạnh việc mở rộng cửa sổ điều trị chỉ áp dụng được trên một số ít bệnh nhân nhập viện trễ và thỏa các tiêu chuẩn về hình ảnh học. Do đó bệnh nnân khi có triệu chứng đột quỵ vẫn cần nhanh chóng đến bệnh viện càng sớm càng tốt để có cơ hội điều trị nhiều hơn.

Vinh danh trung tâm đột quỵ đạt tiêu chuẩn cao

Ủy ban chấp hành Hội đột quỵ châu Âu được thành lập năm 2007 và đã sáng lập chương trình chứng nhận Đơn vị đột quỵ và Trung tâm đột quỵ nhằm mục đích cải thiện chất lượng và thống nhất trong chăm sóc đột quỵ giữa các nước trong cộng đồng Châu Âu, sau đó thiết lập tiêu chuẩn trong điều trị đột quỵ ở châu Âu, cải thiện chất lượng và giảm thiểu sự khác biệt giữa các nước. Các tiêu chuẩn chính bao gồm khả năng huấn luyện con người, thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác… Hiện nay chương trình chứng nhận đã được phát triển trên toàn cầu.

Năm 2018, Liên đoàn Công nghiệp và hiệp hội dược phẩm châu Âu (EFPIA) đã chọn Sáng kiến Thiên thần (Angels) là sáng kiến có giá trị nhất, đã mang lại sự thay đổi thực sự trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ trên nhiều quốc gia trên thế giới.

GS-TS. Carlos Molina, Đại học Barcelona, Trưởng đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện Vall d’Hebron ở Barcelona (Tây Ban Nha), đại diện Hội đột quỵ châu Âu, cho biết Sáng kiến Thiên thần nhằm ghi nhận, vinh danh trung tâm đột quỵ đạt tiêu chuẩn cao trong ứng dụng điều trị đột quỵ và duy trì các tiêu chuẩn này.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.