Từ chối tiêm chủng đe dọa sức khỏe toàn cầu

19/04/2019 10:03 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, từ chối tiêm chủng là 1 trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Sáng 19.4, mít tinh hưởng ứng tuần lễ tiêm chủng thế giới với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng” đã được Bộ Y tế tổ chức tại TP.Hà Tĩnh.
Phát động tuần lễ tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ sẽ xem xét các chiến lược sử dụng vắc xin, đưa thêm các vắc xin mới, trong chương trình tiêm chủng mở rộng để có thêm cơ hội phòng bệnh cho trẻ em.
Giáo sư Đặng Đức Anh, Trưởng ban điều hành dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết từ cuối 2018, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi cho trẻ 1 - 5 tuổi tại 418 huyện thuộc 57 tỉnh, thành, trong đó đã triển khai ở 150 huyện của 19 tỉnh/thành phố, các địa phương còn lại sẽ tiếp tục triển khai trong các tháng tới, nhằm ngăn chặn sởi bùng phát thành dịch lớn; đã triển khai tiêm vắc xin uốn ván, bạch hầu đáp ứng phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả cho trẻ lớn và người lớn tại 29 xã của 5 huyện của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, là nơi có ổ dịch bạch hầu; hoàn thành tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản năm 2017 - 2018 cho 174.474 trẻ từ 6 - 15 tuổi, tại 28 huyện của 16 tỉnh, đạt tỷ lệ 95,6%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại, dù tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc vẫn duy trì tỷ lệ cao những vẫn có tình trạng trì hoãn và không tiêm chủng, ngần ngại đi tiêm chủng, ngay cả khi con ốm nhẹ.
Tiêm chủng đầy đủ giúp trẻ được bảo vệ trước các dịch bệnh nguy hiểm Ảnh Liên Châu
“Đặc biệt, có cha mẹ từ chối tiêm chủng với quan điểm “thuận với tự nhiên” là thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng, là quan niệm phiến diện, sai lầm”, giáo sư Đức Anh nhìn nhận. Ông cho biết, vắc xin là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, thử nghiệm lâm sàng và kiểm định chất lượng cùng tính an toàn nghiêm ngặt trước được cấp phép lưu hành.

Hàng rào bảo vệ cộng đồng

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, vắc xin có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc xin mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả: trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, trên 90 - 95%, cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng bị nhiễm nên bệnh không thể lan rộng.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, tại châu Âu ghi nhận 8.580 trường hợp mắc và 33 trường hợp tử vong do sởi trong vòng 1 năm qua, trong đó nhiều trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng do cha mẹ từ chối, tại các nước Pháp, Italia, Đức, Romania...
Tại Việt Nam, trong các năm 2013 - 2014, dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn 100 trẻ tử vong. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi.
Bà Hồng đánh giá, nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: vi rút bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm; bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%.
“Từ chối tiêm chủng không chỉ đặt con bạn vào rủi ro mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng. Trong đánh giá gần đây vào đầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã xếp e ngại, từ chối tiêm chủng là 1 trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu”, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.