Tự ý uống thuốc kháng sinh, coi chừng… hết thuốc chữa!

01/10/2019 04:36 GMT+7

Tự ý dùng thuốc kháng sinh, lạm dụng thuốc có thể dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh. Các chuyên gia cảnh báo, khi đó, các bác sĩ buộc phải dùng kháng sinh thế hệ mới, tăng chi phí điều trị, thậm chí bệnh... hết thuốc chữa.

Gần hết thuốc chữa do đề kháng kháng sinh

Phó giáo sư - tiến sĩ - dược sĩ Đặng Nguyễn Đoan Trang, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), cho biết: Bệnh nhân Đ.V.N (70 tuổi, ngụ tại Châu Thành, Bến Tre) nhập viện bệnh viện địa phương do khó thở suốt 2 tuần. Trước đó, ông tự mua kháng sinh uống nhưng không thuyên giảm. Bệnh nhân được chuyển lên BV ĐHYD trong tình trạng đặt nội khí quản, thở máy và được chẩn đoán là viêm phổi do Klebsiella pneumoniae - là một trong những vi khuẩn gram âm có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao hàng đầu.
Ông N. đã phải được điều trị với colistin - là kháng sinh hàng cuối cùng để điều trị vi khuẩn gram âm đa kháng. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy cơ thể ông vẫn còn tồn tại vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đa đề kháng.
Các bác sĩ đã cùng hội chẩn với dược sĩ lâm sàng tại khoa, quyết định sử dụng đến “liều thuốc cuối cùng” là kháng sinh thuộc nhóm aminoglycoside. Đây là nhóm kháng sinh mạnh nhưng có độc tính trên thận và tiền đình ốc tai, khoảng trị liệu hẹp, cần phải theo dõi nồng độ thuốc trong máu. Bệnh nhân được điều trị thuốc, đồng thời theo dõi chặt chẽ chức năng thận và đo nồng độ thuốc trong máu. Kết quả ông N. cải thiện tích cực, hết sốt, ngưng được máy thở.
Với sự tư vấn của dược sĩ lâm sàng, ông được ngưng kháng sinh sau 10 ngày điều trị nhằm giảm những biến chứng liên quan đến sử dụng kháng sinh kéo dài. Ông N. khỏi hoàn toàn, không bị biến chứng trên thận, tiền đình ốc tai do thuốc và được cho xuất viện sau 3 tuần điều trị.
Theo phó giáo sư Trang: Đề kháng kháng sinh xuất phát từ việc các kháng sinh thế hệ mới, hoạt tính kháng khuẩn mạnh chỉ để dành cho các bệnh lý nhiễm khuẩn nặng nhưng lại được sử dụng rộng rãi, thiếu kiểm soát. Một nguyên nhân khác cũng rất đáng lo ngại là kháng sinh được bán không có toa thuốc của bác sĩ rất phổ biến.
“Việc vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh dẫn đến những khó khăn trong quá trình điều trị. Sự kháng thuốc dẫn đến hậu quả là thất bại trong điều trị hoặc các bác sĩ buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới làm gia tăng chi phí điều trị”, phó giáo sư Trang cho biết.

Hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi dùng thuốc

Tại Hội nghị “Dược lâm sàng: Vai trò mới, thách thức mới trong chăm sóc toàn diện” vừa được tổ chức tại BV ĐHYD, các chuyên gia y tế đánh giá: Đề kháng kháng sinh hiện đang là một vấn đề toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mô tả những vi sinh vật đề kháng kháng sinh là những “vi khuẩn ác mộng”, đặt ra “một mối đe dọa thảm khốc” cho mọi quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất ở châu Á.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện ĐHYD, nhận định: Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật ngày càng đa dạng, phức tạp với các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh mạn tính như suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, ung thư… đòi hỏi sự chăm sóc phối hợp đa chuyên khoa, trong đó dược sĩ lâm sàng đóng vai trò thiết yếu trong điều trị. Vì vậy, cần thiết đẩy mạnh dược lâm sàng, trong đó dược sĩ cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho cán bộ y tế và cả người dân.
Phó giáo sư Trang, khuyến cáo: Người dân không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh mà phải tuân theo chỉ định của bác sĩ; đặc biệt, cần rất thận trọng trước các thông tin về thuốc đăng tải trên các trang mạng. Việc sử dụng thuốc không theo chỉ định có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.
Ngay khi có các triệu chứng của bệnh, người dân nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và chỉ định điều trị cũng như sử dụng đúng thuốc. Trong trường hợp người dân có thắc mắc về thuốc, nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp, tránh sử dụng thuốc không theo chỉ định khiến bệnh trở nên nặng hơn, khó chữa hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.