Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vắc xin

01/12/2019 11:28 GMT+7

Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), thuộc Bộ Y tế, ngày 26.11 họp báo công bố về việc hợp tác với các nhà khoa học của ĐH Bristol (Anh) trong nghiên cứu phát triển vắc xin ứng dụng công nghệ mới.

TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vabiotech, cho biết đơn vị này và Trung tâm vi sinh học Max Planck - ĐH Bristol sẽ cùng hợp tác trong sản xuất vắc xin với công nghệ mới. Theo đó, ở công nghệ này, sau khi nắm rõ về đặc tính sinh học của vi rút, dựa trên chuỗi gien của vi rút, các nhà khoa học sẽ tổng hợp được các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vắc xin. Công nghệ mới là công nghệ tổng hợp hệ gien, chứ không nhất thiết phải có vi rút hoang dại để làm nguyên liệu sản xuất vắc xin. Công nghệ này đã được nhiều nhà sản xuất vắc xin lớn trên thế giới sử dụng tại hơn 1.000 phòng xét nghiệm và phát triển thành công các loại vắc xin.
Ứng dụng còn cho phép sản xuất số lượng lớn vắc xin trong thời gian ngắn đáp ứng nhu cầu lớn về vắc xin trong chống dịch. Điển hình là vắc xin phòng cúm đại dịch. Đây là vi rút có thể gây dịch lớn, trong thời gian ngắn và vi rút có khả năng biến đổi nhanh. Trong khi đó, ở công nghệ cũ, để có đủ lượng vi rút làm nguyên liệu sản xuất vắc xin cúm, các nhà khoa học sẽ phải nuôi cấy chúng trong môi trường thích hợp với thời gian dài. Áp dụng công nghệ mới, với một số vắc xin, để cho ra đời một lô thành phẩm, các nhà khoa học cần 3 tuần, thay vì phải mất 3 tháng.
Công nghệ tổng hợp gien cũng cho ra đời vắc xin an toàn hơn. Đặc biệt với vắc xin dại, sẽ không còn gây các tai biến nguy hiểm như sản xuất theo công nghệ cũ từ nhiều năm trước. Tính ưu việt của công nghệ mới còn giúp giảm được giá thành sản xuất. Do đó, thêm cơ hội được tiếp cận vắc xin với những quốc gia mà khả năng chi trả của người dân còn hạn chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.