Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư

12/12/2017 15:34 GMT+7

Lần đầu tiên tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng trong chẩn đoán điều trị ung thư tại một bệnh viện địa phương.

Tại hội thảo ứng dụng và chuyển giao Công nghệ điện toán biết nhận thức trong hỗ trợ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng, diễn ra sáng nay, 12.12, tại Hà Nội, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết một số đơn vị y tế trong nước như Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy… đã bước đầu ứng dụng Y tế từ xa (Telemedicine) hỗ trợ cho việc tư vấn, hội chẩn và đào tạo. Nhiều bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính lưu giữ số liệu, kiểm soát kê đơn thuốc.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin BV là 73%, trong đó, BV T.Ư tỷ lệ này là trên 90%, tuyến tỉnh 75%, tuyến huyện 70%, tư nhân 71%. 100% có cổng y tế nối mạng với bảo hiểm xã hội để cùng kiểm soát kê đơn thuốc, chỉ định các dịch vụ y tế, kịp thời phát hiện các bất hợp lý trong chỉ định điều trị.

tin liên quan

Ung thư tăng nhanh
Ung thư hiện là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất, điều trị phức tạp và chi phí lớn. Đáng lo ngại, số ca mắc mới ngày càng tăng cao, ước tính năm 2020 lên tới 200.000 ca.
GS Tiến đánh giá, việc phát triển, ứng dụng điện toán biết nhận thức - trí tuệ nhân tạo là bước tiến mới về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, mang lại những lợi ích rất lớn trong quản lý cũng như chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nhất là trong bối cảnh số lượng bác sĩ hiện nay của chúng ta còn thiếu; khả năng tiếng Anh còn hạn chế, khiến việc cập nhật thông tin mới về các phương pháp, thuốc mới trong điều trị ung thư chưa được cập nhật thường xuyên...
Theo GS Tiến, công nghệ điện toán biết nhận thức với nguồn dữ liệu rất lớn và cập nhật liên tục có thể giúp bác sĩ không còn quá phụ thuộc vào bệnh án giấy, do đó, dù ở đâu cũng có thể đưa ra những ý kiến hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân. 
Ngoài ra, với trí tuệ nhân tạo, các bác sĩ có thể dựa trên dữ liệu cùng các xét nghiệm của người bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị ung thư dựa trên bằng chứng; bệnh nhân có được phác đồ điều trị nhất quán ngay tại y tế địa phương và giúp cho bác sĩ tuyến dưới cũng có cơ hội được cập nhật thông tin mới một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời.
Đại diện đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam, bác sĩ Ngô Hữu Hà, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, đánh giá việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, cũng như điều trị ung thư thực sự hữu ích, bởi với dữ liệu khổng lồ lên tới hàng triệu bệnh án hiện nay, trí tuệ nhân tạo có khả năng đọc, phân tích dữ liệu khác nhau để đưa ra gợi ý điều trị cho các bác sĩ, hỗ trợ hiệu quả trong việc lên kế hoạch điều trị, thông tin về các loại thuốc mới từ nguồn chính thống, giúp bác sĩ giảm tối thiểu thời gian tìm kiếm tra cứu, nhờ đó mà dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân.
Đại diện BV K cho biết, trí tuệ nhân tạo sẽ chính thức được ứng dụng tại BV này trong năm 2018, hỗ trợ cho chẩn đoán điều trị ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm có 126.000 ca  bệnh ung thư mới, số này ước tăng lên 190.000 vào năm 2020. Việc chẩn đoán, điều trị sớm, chính xác sẽ làm tăng tỷ lệ thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.