Ứng phó nguy cơ bệnh 'lạ' từ Trung Quốc

10/01/2020 07:03 GMT+7

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đang khẩn trương lên kế hoạch giám sát công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân , đặc biệt trước nguy cơ xâm nhập viêm phổi 'lạ' .

Trả lời Thanh Niên chiều 9.1, ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết việc giám sát sẽ chú trọng các địa phương có cửa khẩu lớn. Hiện tại, các cửa khẩu quốc tế đều có máy đo thân nhiệt, chủ động phát hiện các ca bệnh nghi ngờ.

Chưa định danh vi rút

Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cập nhật thông tin mới nhất (đến ngày 8.1), đến nay tại TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 7 trường hợp nặng, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn; các trường hợp khác trong tình trạng ổn định; chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đặc biệt, nhiều trường hợp liên quan đến chợ hải sản lớn tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Chúng ta cần rút ra bài học từ dịch SARS về vấn đề giấu thông tin của nước khởi phát và không chia sẻ theo điều lệ y tế quốc tế dẫn đến SARS lây lan mạnh ra nhiều nước rồi mới cầu cứu WHO

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM

 
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết tác nhân gây bệnh viêm phổi do vi rút mới xuất hiện gần đây tại Vũ Hán đến nay vẫn chưa xác định được. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt; một số bệnh nhân có khó thở; phim X-quang ngực cho thấy hình ảnh viêm phổi hai bên. Hiện tại chưa có bằng chứng về sự lây truyền người - người. Không có cán bộ y tế nào bị mắc bệnh. Khu chợ này đã bị đóng cửa ngày 1.1.2020 để khử khuẩn và vệ sinh môi trường. Các ca bệnh xuất hiện trong khoảng thời gian từ 12 - 29.12.2019; ca bệnh khởi phát gần nhất là vào ngày 29.12.2019. Như vậy sau 10 ngày kể từ khi đóng cửa chợ, đã không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc mới. Đến nay đã loại trừ tác nhân gây bệnh là cúm, SARS, MERS, adeno vi rút.

Đo thân nhiệt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM)

Ảnh: Duy Tính

Ông Tấn khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi do vi rút lạ tại Việt Nam. Nhưng để chủ động phòng chống dịch bệnh viêm phổi vi rút, Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế, tại cộng đồng và hệ thống đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập.
Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, TP được yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cửa khẩu; lưu ý giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh về từ Vũ Hán; đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động rà soát các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống.

Hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập

“Chúng tôi đã có cuộc họp với chuyên gia của WHO nhận định về nguy cơ cũng như việc ứng phó với viêm phổi vi rút chưa rõ nguyên nhân”, ông Tấn nói và thông tin thêm tại cuộc họp với WHO, các chuyên gia nhận định trong thời gian tới là dịp tết, giao lưu đi lại giữa các nước gia tăng, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vàoViệt Nam là hoàn toàn có thể nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có kế hoạch riêng biệt, nhưng trên cơ sở các bản kế hoạch ứng phó với các dịch bệnh mới nổi đã ban hành, như: Ebola, MERS-CoV, hệ thống y tế cần xây dựng kế hoạch dự phòng đáp ứng với dịch bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Đặc biệt chú ý cửa khẩu Móng Cái 

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, đơn vị này đã chỉ đạo giám sát bệnh “lạ” tại 8 cửa khẩu, đặc biệt là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, nơi mỗi ngày có 30.000 lượt người từ Trung Quốc nhập cảnh vàoViệt Nam.
Ông Hoàng Văn Lương, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh, cho biết tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đơn vị đã bố trí 12 người, 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại. Các phòng cách ly, điều trị ban đầu cũng được xây dựng ngay tại cửa khẩu. Đội kiểm dịch y tế quốc tế ở Móng Cái cũng phối hợp với Trạm kiểm dịch TP.Đông Hưng (Trung Quốc) để cảnh báo; khai báo y tế với những người đến từ nơi xuất hiện bệnh, cũng như tư vấn, khám cho những người có biểu hiện không tốt về sức khỏe. Đến nay, tại Móng Cái chưa có trường hợp nào phải xử lý.
Lã Nghĩa Hiếu - Mai Hà
Còn theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, hiện nay các nhà khoa họcViệt Nam đang chờ Trung Quốc công bố chủng vi rút gây bệnh; đường lây truyền bệnh để có cách ứng phó. Tuy nhiên,Việt Nam cần kiến nghị WHO làm việc với Trung Quốc về dịch bệnh này để cung cấp thông tin cho các nước.
“Chúng ta cần rút ra bài học từ dịch SARS về vấn đề giấu thông tin của nước khởi phát và không chia sẻ theo điều lệ y tế quốc tế dẫn đến SARS lây lan mạnh ra nhiều nước rồi mới cầu cứu WHO”, theo PGS-TS Phan Trọng Lân.

Có thể cùng họ với loại vi rút gây ra SARS

Theo thông tin từ WHO, đợt bùng phát dịch này có thể là do một loại vi rút cùng họ với vi rút từng gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS, từng gây thiệt mạng nhiều người) và Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS). WHO đánh giá cần thêm thông tin toàn diện hơn trước khi xác nhận chính xác loại vi rút, song cũng cho rằng đây có thể là một biến thể mới của vi rút corona. Đây là nhóm vi rút có thể gây nhiều bệnh viêm nhiễm, từ cảm cúm thông thường tới SARS.
Ngày 9.1, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) dẫn kết quả phân tích ban đầu do một nhóm chuyên gia thực hiện: “Tính đến ngày 7.1.2020, phòng thí nghiệm phát hiện một loại vi rút corona mới. Loại vi rút mới gây dịch bệnh lần này khác hẳn các vi rút corona trước đó, và việc hiểu rõ về vi rút mới cần thêm nhiều cuộc nghiên cứu khoa học”.
Danh Toại
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.