Triệu chứng gần giống như cảm cúm
Bệnh nhi Nguyễn H.T. (10 tuổi), nhập viện điều trị tại Bệnh viện (BV) Sản nhi Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh) sau 10 ngày sốt, uống kháng sinh do gia đình mua, tự điều trị tại nhà, nhưng tình trạng không thuyên giảm. Tại BV, qua khám, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm khuẩn huyết.
Đáng lưu ý, trẻ được phát hiện có vết loét đã đóng vảy đen ở vùng nách, kích thước 5 x 10 mm. “Vết loét này là nguyên nhân ban đầu khiến trẻ sốt cao, dài ngày và sau đó là nhiễm khuẩn huyết. Đó là vết loét điển hình do ấu trùng mò đốt”, bác sĩ phụ trách ca bệnh thông tin.
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Sản nhi Quảng Ninh, bệnh nhi T. được điều trị nhiễm khuẩn huyết, theo dõi bệnh do Rickettsia.
Bác sĩ Dương Văn Linh, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết: “Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây ra qua vật trung gian là ấu trùng mò”.
Mò là côn trùng thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, rốn, mi mắt... Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm.
Các bác sĩ lưu ý, do vết mò đốt không đau nên người bệnh thường không chú ý. Sau khi bị đốt từ 6 - 12 ngày, bắt đầu phát bệnh với biểu hiện: sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người…
Các triệu chứng này gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết, khó phân biệt với các bệnh sốt khác. Người bệnh cũng có thể bị chẩn đoán nhầm là bệnh sốt rét, thương hàn, hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.
Khuyến cáo của Bộ Y tế
Nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp, bệnh nhân sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng, trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo: Sốt mò từng chiếm khoảng 38% trong các ca sốt nhập viện khởi đầu không rõ căn nguyên. Để ngăn ngừa ấu trùng mò đốt, khi đi ra bên ngoài, trong các chuyến dã ngoại, tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt ba lô trên bãi cỏ, gần bụi cây, gốc cây. Nếu trẻ bị nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần được sớm đưa đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Gần đây ghi nhận một số trẻ nhỏ nhập viện do sốt mò, với triệu chứng thường gặp là sốt cao liên tục. Trẻ bị sốt mò thường có hạch sưng tại chỗ vết loét (thường tìm thấy ở vùng da mềm) và hạch toàn thân; hạch có kích thước 1,5 - 2 cm, mềm, không đau.
Trường hợp sốt mò nặng có thể khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong. Ngoài ra, sốt mò gây viêm màng não, viêm não. Người bệnh có đau đầu, có thể có rối loạn ý thức, có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng hô hấp và tim mạch.
(Theo Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh)
|
Bình luận (0)