Vì sao bệnh nhân người nước ngoài bị cắt cụt 2 tay, 2 chân?

20/06/2019 14:17 GMT+7

Những tưởng làm nghề điện, an toàn về điện là bị điện giật nhiều nhất, ai ngờ nghề xây dựng lại bị nhiều nhất.

Thời gian gần đây, Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều ca bỏng điện rất thương tâm.
Điển hình là bệnh nhân Sóc Chang (39 tuổi, quốc tịch Campuchia) bị cắt hết 2 tay, 2 chân.
Qua người phiên dịch, bệnh nhân này cho biết anh làm nghề xây dựng, là lao động chính trong gia đình để nuôi 5 đứa con nhỏ.
Trong lúc xây dựng một ngôi nhà dưới đường điện cao thế, anh bất ngờ chạm vào đây điện và bị điện giật ngã xuống.
Anh được cấp cứu tại bệnh viện ở Campuchia, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 10.6.
“Bệnh nhân nhập vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tay 2 bên lạnh và co quắp, bỏng 16% độ 2, 3, 4 ở tứ chi. Mặc dù đã cố cứu cho bệnh nhân nhưng do bỏng quá nặng, nên chúng tôi phải cắt cụt 2 tay ngay phần cổ tay. Sau đó, 2 chân của bệnh nhân cũng bị cắt cụt ở ngay phần cổ chân. Chúng tôi đã giữ được tính mạng bệnh nhân nhưng cơ thể họ bị tàn tật”, tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.
Ở phòng bệnh kế bên, bệnh nhân Nguyễn Anh Khoa (43 tuổi, ngụ Bình Định) cũng đã bị cắt cụt 2 tay và 1 chân. Về nguyên nhân bị bỏng điện, anh Khoa cho biết khi đang di chuyển cây sắt thì đụng phải đường điện cao thế phía trên căn nhà đang xây và bị điện giật.
Theo bác sĩ Ngô Đức Hiệp, bệnh nhân Khoa bị bỏng điện 12% độ 3, 4 cả 2 tay và chân trái. Bệnh nhân đã trải qua 7 lần mổ để giữ mạng sống.
Bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho biết thêm, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 300 - 400 ca bị bỏng điện, trong đó có hơn 100 ca bị cắt cụt tay, chân, thậm chí là cả 2 tay, 2 chân. Hiện tại trong khoa có 15 ca bỏng điện, trong đó có 5 ca bị cắt cụt tay hoặc chân.
Những ngành nghề bị bỏng điện nhiều nhất là xây dựng, làm biển quảng cáo, làm nghề liên quan đến điện, trong đó có cả nhân viên làm an toàn về điện. 

Bỏng điện gây tàn phế khi tuổi đời còn quá trẻ

Đa số bệnh nhân bỏng điện sức khỏe đều ổn định sau khi xuất hiện, nhưng sau đó nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui. Vì đa số họ đều rất trẻ, trong độ tuổi lao động nhưng bị cắt cụt tay, chân nên  không thể tự sinh hoạt cũng như lao động mưu sinh mặc dù đầu óc rất tỉnh táo. Đặc biệt, họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý trong quãng thời gian còn lại.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, tai nạn bỏng điện có thể phòng trách được nếu đảm bảo an toàn điện, an toàn lao động. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.