Vì sao có người hài hước, vui cười suốt nhưng lại bất ngờ tự tử?

22/10/2019 04:28 GMT+7

Nhiều người thắc mắc tại sao ai đó đang vui vẻ, lạc quan, sôi nổi lại bất ngờ chọn tự tử, chấm dứt cuộc sống tươi đẹp . Mấy ai, ngay cả chính khổ chủ, biết rằng họ bị trầm cảm cười, trầm cảm không điển hình.

Bi kịch của nữ sinh viên 21 tuổi

Trường hợp Alexandra Wilshaw là một ví dụ. Cô sinh viên 21 tuổi đang học năm 3 tại Đại học Durham (Anh), được bạn bè và gia đình mô tả là đội trưởng đội cổ vũ sôi nổi, nổi bật, ồn ào và hài hước. Nhưng bất ngờ, cô treo cổ và chết.
Mẹ cô, bà Carole (51 tuổi) kể rằng bà không tin được bi kịch đã xảy ra. Bà luôn nghĩ về cuộc nói chuyện cuối cùng của họ và tự hỏi liệu đã có bất kỳ dấu hiệu rối loạn của con gái mình khi đó hay không. Bà không biết là có gì đó không ổn bởi mỗi lần nói chuyện với con, bà luôn hỏi tình hình và Alexandra Wilshaw khẳng định mọi việc đều tốt. “Tôi đã tin con bé”, người mẹ nói với Daily Mail.
Đầu tháng 10.2019, gia đình Alexandra, đã phát động một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử và cách tốt hơn để đối phó với những vấn đề này. Một phần của thông điệp là người bị trầm cảm có thể không cảm thấy mình bệnh, như trường hợp Alexandra.

"Trầm cảm cười" là gì?

Các chuyên gia cảnh báo, có tới một nửa số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần thường không bị các triệu chứng khó chịu như mất ngủ, chán ăn và thờ ơ. Nhiều người có vẻ lạc quan và hướng ngoại, dù vẫn tồn tại những khi tâm trạng thấp thỏm và chứa chấp những suy nghĩ tiêu cực. Những đau khổ một mình mình biết này có thể kéo dài trong nhiều năm mà không ai nhận ra đó là vấn đề nghiêm trọng. Đôi khi, ngay chính những bệnh nhân cũng không biết họ không khỏe.
Theo các bác sĩ tâm thần, triệu chứng ẩn của cái gọi là trầm cảm không điển hình, đôi khi được gọi là “trầm cảm cười”, khiến nó đặc biệt nguy hiểm. Lý do vì bệnh ít có khả năng được phát hiện và điều trị sớm, những người mắc bệnh có nhiều khả năng tử vong do tự tử, theo Daily Mail.

Câu chuyện của một luật sư 34 tuổi

James, luật sư 34 tuổi ở Norwich (Anh), nhớ mình đã bị ám ảnh bởi những suy nghĩ chán nản và ngẫm nghĩ về những lời chỉ trích nhỏ nhất ngay khi còn là một thiếu niên dù với bạn bè và gia đình, anh ấy là người hướng ngoại và hạnh phúc. Anh kể trên DM: “Cách đối phó của tôi là đánh lạc hướng bản thân. Tôi đi chơi với bạn bè hoặc bắt đầu một chế độ tập thể dục mới. Khi tôi cảm thấy tốt, mọi thứ đều ổn. Nhưng rồi sẽ có gì đó hạ gục tôi. Đó có thể là cuộc tranh cãi với đồng nghiệp, vấn đề với bạn gái. Nếu một người lạ mặt thô lỗ, dù nhẹ đến đâu, sẽ khiến tôi tự trách và lo lắng”.
James đã vật lộn cho đến trưởng thành mà không có sự trợ giúp y tế nào. Nhưng năm 2017 thì đến điểm ngoặt. Anh nói: “Một mối quan hệ kết thúc, tôi thì bắt đầu công việc mới, thật khó khăn! Đột nhiên, không có gì làm tôi hạnh phúc được nữa”. James đã lên kế hoạch tự sát. Khi đó anh nghĩ về một người bạn đã chết theo cách tương tự và “biết mình phải nhờ giúp đỡ”. James được kê đơn thuốc và đã có các buổi trị liệu tâm lý hằng tuần kể từ đó. Điều này giúp anh giữ ổn định, theo Daily Mail.
“Thiền và tập thể dục thường xuyên cũng thực sự quan trọng. Những thứ này có thể không hiệu quả với tất cả mọi người nhưng chúng có tác dụng với tôi”, James nói.
Olivia Remes, nhà nghiên cứu tâm lý học Đại học Cambridge (Anh), cho biết những trường hợp như James khá phổ biến. “Bệnh nhân bị trầm cảm không điển hình có thể có tâm trạng buồn chán nhưng lại nâng cao tinh thần khi có tin tốt hoặc các sự kiện tích cực”. Họ không nói cho ai biết về vấn đề của mình và thậm chí, có bề ngoài hạnh phúc và khỏe mạnh, cho đến khi xuất hiện một sự kiện gây ra khủng hoảng. Đó có thể là sự từ chối hoặc chỉ trích trong mối quan hệ, công việc… Olivia Reme cho rằng nếu trường hợp như vậy được phát hiện sớm hơn thì có thể ngăn ngừa tự tử.
Nhà tham vấn tâm lý Philip Wilkinson cho rằng, thay vì phân loại trầm cảm thành nhóm điển hình hoặc không điển hình, nên coi nó là một phổ bệnh. Đặc biệt, trầm cảm có thể khác nhau đối với mỗi người. Không phải mọi bệnh nhân đều phù hợp bộ tiêu chí rõ gọn như sách giáo khoa, theo Daily Mail.
Những người mắc chứng trầm cảm không điển hình thường ngủ nhiều - hơn 10 giờ/đêm - tăng sự thèm ăn và tăng cân. Một số người cũng phải chịu đựng tê liệt chi (leaden paralysis) - cảm giác chân tay nặng nề, kéo dài hơn 1 giờ/ngày. 
Một số nghiên cứu cho thấy, thuốc chống trầm cảm fluoxetine chỉ có hiệu quả ở khoảng một nửa số bệnh nhân bị trầm cảm không điển hình, so với khoảng 2/3 những người bị trầm cảm điển hình. Trong các trường hợp không điển hình, một nhóm thuốc ức chế monoamin oxydase có thể đặc biệt hữu ích. Tuy nhiên, chúng hiếm khi được kê đơn do tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn và các vấn đề về huyết áp. Bệnh nhân cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa do những rủi ro hiện hữu, theo Daily Mail. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.