Ngày 25.9, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PATH - một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu, Cơ quan Nghiên cứu Phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ, đã tổ chức công bố kết quả dự án nâng cao năng lực phát triển vắc xin cúm tại Việt Nam.
Theo báo cáo của IVAC, nhờ sự hỗ trợ của WHO, PATH, BARDA cùng nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, IVAC đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1.
IVAC sản xuất các loại vắc xin trên quy mô sản xuất công nghiệp, với chất lượng cao, an toàn. Công suất vắc xin cúm mùa là 1,5 triệu liều/năm; vắc xin cúm A/H5N1 là 3 triệu liều/năm.
Theo IVAC, tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 1,2-1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong số đó 20-30% do vi rút cúm mùa gây ra và dịch cúm gia cầm đã xuất hiện từ năm 2003. Trong khi đó, Việt Nam từ trước tới nay đã thiếu nguồn cung cấp vắc xin cúm bền vững và buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài.
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Kế hoạch hành động toàn cầu về vắc xin cúm của WHO. Thời gian sau đó, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ IVAC phát triển sản xuất vắc xin cúm mùa và cúm đại dịch, sử dụng công nghệ trứng gà có phôi.
Kiểm tra trứng gà có phôi để phục vụ sản xuất vắc xin cúm tại IVAC Ảnh: Nguyễn Chung
|
Từ năm 2010, WHO, PATH, BARDA đã hợp tác với Việt Nam xây dựng kế hoạch dài hạn liên quan đến sản xuất và sử dụng vắc xin cúm, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng và hướng dẫn đăng ký vắc xin cúm.
Từ năm 2012- 2018, IVAC bắt đầu công tác thử nghiệm lâm sàng các loại vắc xin cúm mùa và cúm A/H5N1 với nhiều giai đoạn. Kết quả tổng thể cho thấy các vắc xin được dung nạp tốt và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch bảo vệ.
Hiện tại, IVAC đang thực hiện các thủ tục đăng ký cấp phép cho các loại vắc xin trên; dự kiến sẽ lưu hành vào năm 2019, với giá thành chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với giá nhập khẩu.
Đây được xem là thành tựu to lớn trong công tác nâng cao năng lực sản xuất vắc xin và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam.
Những nỗ lực của IVAC trong việc tự sản xuất vắc xin cúm không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận (0)