'Vỡ trận' tiêm vắc xin 6 trong 1 tại Đà Nẵng

28/03/2019 10:57 GMT+7

Chờ đợi từ 3 giờ sáng, chen lấn suốt gần 5 giờ đồng hồ vẫn không thể tiêm được vắc xin dịch vụ cho con.

Canh nhiều ngày trước trên website chính thức của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng và biết có một lượng vắc xin về "nhỏ giọt" khoảng gần 200 liều, nên từ chiều 27.3, nhiều phụ huynh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế đã đi xếp hàng lấy phiếu để con được tiêm vắc xin.

Chen lấn nhau đưa con đi tiêm vắc xin 6 trong 1

Vắc xin 6 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib và bại liệt) cho trẻ được Đà Nẵng triển khai tiêm từ trước và sau Tết Nguyên đán 2019. Tuy nhiên, do lượng vắc xin về rất nhỏ giọt, nên hễ có thông tin về vắc xin là người dân Đà Nẵng và các địa phương lân cận đổ xô về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng để đăng ký tiêm cho con.

Và đợt "vỡ trận" vắc xin dịch vụ này cũng không ngoại lệ...

Vật vạ xếp hàng rồi chen lấn vẫn không có thuốc

Ghi nhận tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, từ tờ mờ sáng, người dân đã có mặt rất đông vật vã chờ đợi. Đến khoảng 5-6 giờ sáng thì tình trạng chen lấn, thậm chí xô xát bắt đầu diễn ra… Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng có mặt tại trung tâm ra sức huy động nhân viên kiểm soát tình hình nhưng các lực lượng gần như “bất lực” khi người dân kéo đến ngày càng nhiều.

Chỉ có 180 liều tiêm 6 trong 1, nhưng nhu cầu trẻ cần thuốc gấp hàng chục lần và "vỡ trận" khiến lịch tiêm sáng 28.3 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng phải hủy ẢNH: A.Q

Một trẻ xếp hàng chờ tiêm vắc xin thì có đến mấy người yểm hộ cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Hai vợ chồng chị Võ Thị Kim Loan ở Bình Đào, Thăng Bình (Quảng Nam) bỏ hết công việc ra Đà Nẵng xếp hàng từ 2 ngày nay để lấy phiếu, đợi có vắc xin thì tiêm cho con. Con chị Loan đã gần 4 tháng vẫn chưa tiêm mũi vắc xin nào. Chị Loan cho biết người dân quê chị, nếu ra Đà Nẵng xếp hàng tiêm vắc xin không được là có người không tiêm luôn chứ không tiêm của chương trình của trạm y tế.

Trong khi đó, con anh Phạm Thiên Nam tại Đà Nẵng đã tiêm được 2 mũi 6 trong 1 nhưng giờ cháu đã gần 12 tháng mà vẫn chưa tiêm được mũi thứ 3. Anh Nam đến từ 3 giờ sáng vật vã chờ đợi nhưng khi đến lượt bốc số thì đã hết thuốc. Vợ anh Nam không chịu về mà vẫn kiên trì ôm con ngồi đợi "biết đâu may mắn còn thuốc", dù bác sĩ đã giải thích 180 liều vắc xin đợt này đã được bốc số hết... từ hôm qua. 

Thông báo hết số thứ tự được treo từ đầu ngày ẢNH: AN DY

Trong khi ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng tình trạng chen lấn vẫn chưa vãn hồi, thì ông Tôn Thất Thạnh chính thức ra thông báo sẽ ngừng chương trình tiêm theo lịch của sáng nay (28.3) nếu người dân cứ chen lấn, xô xát.

Theo ông Thạnh, lịch tiêm sáng 28.3 sẽ có 180 liều cho 180 bé, và sẽ ưu tiên những bé đã bốc số từ chiều 27.3, sau đó sẽ tiếp tục xét theo thứ tự.

Mặc dù đã bốc số từ chiều 27.3 nhưng hàng trăm trẻ vẫn chưa được tiêm theo lịch sáng 28.3 vì sự cố “vỡ trận”. Theo ông Thạnh, số trẻ này sẽ được rà soát và tiêm trong ngày hôm nay nếu trật tự được vãn hồi.

“Những gia đình nào chưa bốc số được thì đăng ký và để lại danh sách chờ vào đợt tiêm tháng 5. Tuy nhiên, vì là vắc xin dịch vụ nên lượng vắc xin 6 trong 1 về Đà Nẵng cũng rất nhỏ giọt”, ông Thạnh nói.

Hơn 2.000 liều vắc xin đặt hàng phải đợi đến tháng 5

Trao đổi với Thanh Niên, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, cho biết đầu năm 2019, Đà Nẵng nhập về gần 2.000 liều vắc xin dịch vụ 6 trong 1, triển khai tiêm chủng và hết ngay trong tháng 2, phục vụ không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà cả các tỉnh thành lân cận như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

"Đợt này là đột xuất có được 180 liều về nên chúng tôi công bố để người dân biết và đăng ký tiêm. Trung tâm đã liên hệ đặt hàng vắc xin 6 trong 1 (theo phân bổ của Bộ Y tế) để tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêm ngừa dịch vụ cho trẻ của người dân. Tuy nhiên, dự kiến phải vào khoảng tháng 5 tới thì vắc xin mới về, mà số lượng cũng chỉ hơn 2.000 liều.

Khi được hỏi, vì sao tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, khi trẻ tiêm mũi đầu không được đăng ký bảo quản thuốc để tiêm những mũi còn lại như ở các bệnh viện tư, đại diện trung tâm cho biết trung tâm đã thử tuy nhiên không khả thi.

“Trong khi nhiều trẻ nhỏ vẫn chưa tiêm được mũi nào để ngừa 6 loại bệnh nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi, thì chúng tôi không thể trữ thuốc để tiêm cho các trẻ đã tiêm được mũi thứ 1 và mũi thứ 2. Như vậy các cháu chưa được tiêm mũi nào sẽ rất thiệt thòi”, nữ nhân viên tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng cho biết.

Vắc xin 5 trong 1 ComBE Five: Chưa ghi nhận ca nào phản ứng nặng

Trở lại với vắc xin 5 trong 1 ComBE Five trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đang được triển khai tại Đà Nẵng từ đầu năm 2019 ở các quận huyện trên địa bàn thành phố, ông Thạnh cho biết: “Trong 2 tháng (mỗi tháng 2 đợt tiêm) chúng tôi triển khai tiêm hơn 1.000 liều ComBE Five (trong số gần 8.000 liều trữ sẵn). Ghi nhận, có khoảng 11% trẻ phản ứng nhẹ, phản ứng thông thường sau tiêm chủng, như sốt nhẹ, sưng chỗ tiêm, quấy khóc, bứt rứt. Chưa ghi nhận ca nào phản ứng nặng”.

Cũng theo ông Thạnh, khi Đà Nẵng vừa dứt các đợt tiêm chủng trong tháng 1 và 2 thì xảy ra vụ trẻ tử xong sau tiêm chủng tại Bình Định. Vụ việc đang được Bộ Y tế chỉ đạo điều tra nguyên nhân. Trước mắt, ngành Y tế thành phố vẫn tiếp tục phối hợp các bên để đảm bảo an toàn cho đợt tiêm chủng toàn thành phố trong tháng 3 này với vắc xin 5 trong 1 ComBE Five.

Cụ thể, phối hợp với Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng về chủ động xử lý phản vệ sau khi tiêm chủng, tăng cường các đoàn giám sát trước khi tiêm chủng, hỗ trợ công tác chuẩn bị, trong và sau khi tiêm, các cơ sở y tế có thu dung điều trị luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận khám, tư vấn, xử lý các cấp độ. Đội cấp cứu cơ động tăng cường hỗ trợ tại chỗ và di chuyển đến các vị trí có trẻ phản ứng với tiêm chủng…

Chia sẻ về sự khác biệt giữa vắc xin 5 trong 1 so với vắc xin 6 trong 1 đang được tiêm dịch vụ, bác sĩ Lãm cho biết: “5 trong 1 ConBE Five là thành phần toàn tế bào, với hàng nghìn kháng nguyên trên bề mặt, nên đáp ứng miễn dịch gần hơn, tự nhiên hơn, mạnh hơn, tốt hơn và tất nhiên cũng sẽ nhiều tác dụng phụ hơn. Còn 6 trong 1 thì thành phần vô bào, đã được tinh chế, chỉ lấy vài kháng nguyên có lợi sinh ra miễn dịch, ít tác dụng phụ. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định các loại vắc xin 5 trong 1 như ComBE Five sẽ có tác dụng phụ sau khi tiêm, với tỉ lệ khá cao, khoảng 40%, nhưng đó là phản ứng bình thường sau tiêm. Nếu phản ứng nặng phải được cấp cứu và xử lý kịp thời”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.