Vụ 1.000 tấn dược liệu nhập lậu: Vì sao khó kiểm soát chất lượng dược liệu?

06/12/2019 15:04 GMT+7

Do chất lượng dược liệu phụ thuộc vào quá trình trồng, thu hái, nên việc kiểm soát chất lượng dược liệu còn khó khăn .

Liên quan đến vụ việc Công an Hà Nội bắt giữ 1.000 tấn dược liệu nhập lậu, trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều 5.12, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết: “Sự việc cơ quan công an bắt giữ dược liệu nhập lậu, chúng tôi có tham gia phối hợp về chuyên môn. Cán bộ của Cục đã tham gia phân loại, lấy mẫu kiểm nghiệm. Chờ kết quả kiểm nghiệm để đánh giá về chất lượng dược liệu nhập lậu”.
Ông Khánh cho rằng, việc kiểm soát chất lượng dược liệu hiện khó khăn. Vì nếu là tân dược, các thuốc được đóng viên, vỉ, lô, có nhãn, có ngày, nếu hỏng lô này thì bỏ đi, quá trình sản xuất, đóng gói rõ ràng. Nhưng dược liệu thì chất lượng lại phụ thuộc vào kinh nghiệm người trồng, cũng như quá trình nuôi trồng, thu hái.
Theo ông Khánh, hiện tại, chất lượng dược liệu nhập khẩu được hậu kiểm sau khi thông quan, trừ những trường hợp từng phát hiện vi phạm thì buộc phải có kết quả kiểm nghiệm trước. Các dược liệu buộc phải có hồ sơ nhập khẩu, nguồn gốc cung cấp.
Còn với dược liệu nhập lậu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, không có nguồn gốc, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy, nên không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng, không thể đảm bảo chất lượng.
Trước sự việc số lượng lớn dược liệu nhập lậu bị bắt giữ, ông Khánh lưu ý: “Các sở y tế, đặc biệt là tại các thành phố có nguồn sử dụng, kinh doanh lớn như Hà Nội và TP.HCM, cần tăng cường lấy mẫu, hậu kiểm cũng như kiểm soát nguồn gốc dược liệu. Việc kiểm soát chất lượng dược liệu liên quan đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu. Đặc biệt, khi sản xuất hàng loạt thì chất lượng dược liệu buộc phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất, phù hợp nhất”.

Phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo

Theo Bộ Y tế, năm 2018, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư và hệ thống kiểm nghiệm nhà nước đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng được 38.192 mẫu các loại (tăng khoảng 2.000 mẫu so với năm 2017); kiểm tra chất lượng được trên 500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu, qua đó phát hiện 504 mẫu không đạt chất lượng.
Ngoài ra, các trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, thành phố đã phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so với năm 2017).
Từ năm 2016, Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã lên danh sách 65 loại dược liệu sử dụng nhiều trong các cơ sở điều trị, kinh doanh, yêu cầu các cơ sở phải có mẫu loài đối chứng, tránh việc sử dụng nhầm lẫn hoặc dược liệu giả.
Đáng lưu ý, đánh giá về tình trạng nhầm loài, một chuyên gia về dược liệu cho biết, dược liệu bị nhầm loài từng được phát hiện như: thăng ma, hoài sơn, ý dĩ, hoàng kỳ, khương hoạt, độc hoạt, kê huyết đằng, thổ phục linh, hà thủ ô. Các vị bị nhầm loài từng bị phát hiện thường là các đầu vị, được dùng trong các bài thuốc nâng cao thể trạng, các bệnh thường gặp.
"Các dược liệu bị nhầm lại thường được thay thế bằng những loài khác rẻ tiền hơn so với dược liệu thật. Thậm chí, có dược liệu như xuyên bối mẫu, giá thật hơn 10 triệu đồng/kg có thể không bị nhầm nhưng hoạt chất đã bị lấy, không còn chất lượng. Thuốc, sản phẩm từ các dược liệu như vậy thì chằng có tác dụng”, một chuyên gia trong lĩnh vực dược liệu cho biết.
Chuyên gia này cho rằng, những năm trước, Bộ Y tế ước tính nhu cầu dược liệu cho sản xuất trong nước là 60.000 - 80.000 tấn/năm, được dùng làm thuốc, thực phẩm chức năng,... nhưng số này hiện tại ước lên đến khoảng 100.000 tấn. Trong khi đó, các đơn vị nhập khẩu dược liệu đăng ký số lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Như vậy, nguồn dược liệu nhập khẩu chính thống rấ ít so với nhu cầu dự báo (khoảng 1 - 1,5%).
Bên cạnh đó, dược liệu nuôi trồng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, còn dược liệu nhập lậu không thể kiểm soát chất lượng. Hậu quả là người dùng phải gánh chịu khi phải sử dụng các sản phẩm sản xuất từ dược liệu kém chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.