Một nhóm nghiên cứu từ Đại học East Anglia (Anh) đã tạo ra một bộ Xét nghiệm nước tiểu tuyến tiền liệt (PUR) nhằm tìm biểu hiện của một số gien trong chất thải lỏng, từ đó chỉ ra ung thư có nguy cơ di căn hay chỉ có nguy cơ thấp và chỉ rõ bệnh nhân có cần điều trị sớm hay không, theo Yahoo News.
Sau khi đưa vào thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện bộ xét nghiệm này cho thấy dấu ấn sinh học của bệnh ung thư tuyến tiền liệt rõ ràng hơn nhiều so với khám trực tràng - bước đầu tiên trong phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt hiện tại.
Bộ xét nghiệm này cũng chỉ ra bệnh nhân có cần điều trị hay không, cho phép bệnh nhân có nguy cơ thấp tránh được các xét nghiệm với nhiều tác dụng phụ gây hại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận.
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới
Người dẫn đầu nghiên cứu, tiến sĩ Jeremy Clark (Trường Y khoa Norwich, Đại học East Anglia, Anh), cho biết chỉ cần lấy mẫu nước tiểu tại nhà và gửi đi phân tích có thể thực sự giúp việc chẩn đoán ung thu tuyến tiền liệt trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.
Hiện tại không có chương trình tầm soát ung thư tuyến tiền liệt vì các nhà khoa học cho rằng việc tầm soát còn lợi bất cập hại, theo báo cáo của cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh.
Nam giới trên 50 tuổi có thể kiểm tra mức kháng nguyên đặc hiệu PSA, tuy nhiên, điều này vẫn còn gây tranh cãi.
Nhiều khối u tuyến tiền liệt đang phát triển chậm và không ác tính. Trong những trường hợp này, những tác dụng phụ của việc điều trị - như rối loạn cương dương và tiểu không tự chủ - có thể tác hại đến bệnh nhân nhiều hơn là có lợi.
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, bác sĩ Clark cho biết.
Bệnh này thường phát triển chậm và phần lớn bệnh ung thư sẽ không cần điều trị trong suốt cuộc đời bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc các bác sĩ vất vả cố gắng dự đoán xem khối u nào sẽ trở nên ác tính, khiến cho việc quyết định điều trị cho nhiều bệnh nhân trở nên rất khó khăn.
Xét nghiệm nước tiểu giúp dự đoán chính xác ung thư tuyến tiền liệt đã di căn hay chưa
Các nhà khoa học đã nghiên cứu phát triển ra phương pháp xét nghiệm nước tiểu, trong đó xem xét biểu hiện gien trong các mẫu nước tiểu và chỉ ra ung thư có nguy cơ di căn hay chỉ có nguy cơ thấp, theo Yahoo News.
Để kiểm tra hiệu quả của xét nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã chọn những người tham gia thử nghiệm bộ test nước tiểu từ Bệnh viện Đại học Norfolk và Norwich (Anh), nơi tiếp nhận hơn 800 ca kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt mỗi năm.
Những người tham gia thử nghiệm được yêu cầu xét nghiệm với nước tiểu đầu tiên trong ngày. Vì tuyến tiền liệt liên tục tiết dịch, nên nước tiểu đầu tiên trong ngày sẽ có nồng độ dấu ấn sinh học từ tuyến tiền liệt cao hơn nhiều và ổn định hơn, tiến sĩ Clark cho biết.
Những kết quả này được so sánh với các mẫu nước tiểu được lấy sau khi kiểm tra trực tràng kỹ thuật số - kết hợp kiểm tra kích thước và cấu trúc của tuyến tiền liệt của bệnh nhân.
Kết quả cho thấy các mẫu nước tiểu đã hiện lên các dấu ấn sinh học của bệnh ung thư tuyến tiền liệt rõ ràng hơn nhiều so với sau khi kiểm tra trực tràng, tiến sĩ Clark cho biết.
Xét nghiệm này có thể giúp những người chủ động theo dõi sức khỏe, có thể theo dõi tiến triển bệnh, và chỉ phải đến phòng khám nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu là dương tính.
Việc chủ động theo dõi sức khỏe có thể giúp nam giới theo dõi ung thư tuyến tiền liệt từ giai đoạn rất sớm, khi chưa lan rộng. Từ đó giúp cho bệnh nhân chỉ phải điều trị khi ung thư có nguy cơ phát triển, nhằm tránh các tác dụng phụ nặng nề trong quá trình điều trị.
Hiện tại ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, cứ sau 6 - 12 tháng, nam giới phải đi sinh thiết để kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt - một thủ thuật rất đau đớn và tốn kém, tiến sĩ Clark nói.
Xét nghiệm nước tiểu này giúp dự đoán chính xác ung thư tuyến tiền liệt đã di căn hay chưa, và chỉ rõ bệnh nhân có cần điều trị sớm hơn 5 năm so với phương pháp tiêu chuẩn hay không. Nếu xét nghiệm âm tính, có thể kiểm tra 2 - 3 năm một lần, giúp giảm căng thẳng cho bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện, theo Yahoo News.
Bình luận (0)