Xét nghiệm gộp mẫu là phương pháp lấy một phần của mỗi mẫu (máu) trong các mẫu để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm. Phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng lại lần 2, nếu trước đó xét nghiệm mẫu gộp cho kết quả dương tính.
Theo Bộ Y tế, trong vụ dịch, việc gộp mẫu giúp tăng năng lực xét nghiệm, sàng lọc nhanh chóng số lượng người cần được xét nghiệm và vẫn đảm bảo độ tin cậy, qua đó có biện pháp phòng dịch sớm, kịp thời. Xét nghiệm gộp mẫu đồng thời tiết kiệm được nhân lực, vật tư cho phòng chống dịch dự kiến còn kéo dài. Việc thực hiện gộp mẫu cũng đã được áp dụng tại một số quốc gia. Các mẫu có thể lấy riêng lẻ sau đó chuyển về phòng xét nghiệm thực hiện gộp để tránh việc phải lấy lại mẫu sau khi có trường hợp dương tính. Phương pháp này đã bắt đầu triển khai hiệu quả tại Đà Nẵng.
Bác sĩ Lê Thành Chung, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, cho biết: “Tại Đà Nẵng, chúng tôi đang tiến hành gộp mẫu để tăng tốc việc xét nghiệm mà vẫn đảm bảo kết quả. Theo đó, việc tiến hành gộp mẫu hiện áp dụng với những mẫu lấy tại khu dân cư. Các mẫu của các thành viên trong một gia đình (trung bình 3 - 4 mẫu) được trộn lại để làm xét nghiệm một lần. Riêng với những đối tượng là F0, F1 và khu cách ly thì chúng tôi vẫn tiến hành xét nghiệm riêng lẻ”.
PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội), được điều động vào Đà Nẵng hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, cho biết: “Mẫu xét nghiệm tăng từng ngày. Trước đây, mỗi ngày xét nghiệm từ 500 - 700 mẫu, nhưng nhờ sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, hệ thống máy móc tự động, đổi mới cách thực hiện cũng như tăng cường nhân lực từ Bộ Y tế, hiện tại đã thực hiện xét nghiệm khoảng 8.000 - 10.000 mẫu/ngày”.
Bình luận (0)