Xơ gan là bệnh phổ biến mà hậu quả dẫn đến suy chức năng gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Khi áp lực tĩnh mạch cửa tăng cao sẽ làm căng giãn các tĩnh mạch ở vùng thực quản và tâm phình vị, đến một mức độ nào đó nó sẽ làm vỡ các tĩnh mạch này gây biến chứng xuất huyết (chảy máu) tiêu hóa.
Mới đây, một bệnh nhân nữ 50 tuổi (ở Hà Nội) vào cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 trong tình trạng mất máu trầm trọng, da nhợt nhạt và mạch đập rất yếu. Bệnh nhân cho biết vẫn thường bị nôn ra máu, trước nhập viện đã nôn máu rất nhiều. Bác sĩ chẩn đoán, chảy máu tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản dạ dày. Cũng mới đây, Bệnh viện 108 tiếp nhận bệnh nhân B.Q.M (ở Hạ Long, Quảng Ninh) bị xơ gan từ nhiều năm nay, bị biến chứng chảy máu tiêu hóa tái diễn nhiều lần, được xác định là do vỡ các búi tĩnh mạch giãn ở thực quản dạ dày do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
|
Bệnh nhân bị chảy máu nặng, điều trị cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh với các biện pháp cầm máu bằng nội khoa, nội soi thực quản dạ dày đều không thành công, chỉ giúp tạm dừng chảy máu vài ngày. Biện pháp ngoại khoa mở ổ bụng và phình vị dạ dày để khâu cầm máu trực tiếp cũng không hiệu quả. Toàn trạng bệnh nhân giảm sút do chảy máu nhiều lần, qua nhiều cuộc can thiệp, sức khỏe bệnh nhân suy giảm; sau đó được chuyển lên Bệnh viện 108, các bác sĩ đã triển khai can thiệp cầm máu mới khống chế được tình trạng xuất huyết.
Theo TS-BS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch, Bệnh viện 108, một khi đã bị chảy máu tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày thì hầu hết sẽ bị tái phát nhiều lần. Phương pháp điều trị chủ yếu ở các chuyên khoa tiêu hóa hiện nay là nội soi để thắt và gây xơ các tĩnh mạch bị giãn gây chảy máu. Tuy nhiên, sau điều trị nội soi thì tình trạng chảy máu tái phát vẫn rất phổ biến, bệnh nhân phải tiếp tục nhập viện nhiều lần vì biến chứng này.
Nguyên nhân của tình trạng chảy máu tái phát là vì áp lực tĩnh mạch cửa tăng cao do xơ gan. Trong khi đó, các phương pháp điều trị nội soi cầm máu không có tác dụng làm hạ áp lực tĩnh mạch cửa, nên chỉ một thời gian sau thì tĩnh mạch thực quản dạ dày lại căng giãn và vỡ lại. Để giải quyết tình trạng này cần dùng kỹ thuật nối thông cửa - chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh. Kỹ thuật này tạo một đường nối thông trong nhu mô gan giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan, làm phần lớn dòng máu tĩnh mạch cửa có lối thoát thẳng về tim, không phải đi qua nhu mô gan xơ, nên áp lực hạ xuống nhanh, giúp các tĩnh mạch ở thực quản dạ dày hết căng giãn và giảm nguy cơ vỡ lại.
Liên Châu
Bình luận (0)