Tình trạng này cho thấy sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện, thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc và thu nhập của người lao động tiếp tục giảm. Cách duy nhất để vượt qua giai đoạn này chính là thắt lưng buộc bụng. Nhưng nếu các giai đoạn khó khăn trước đây, việc cắt giảm chi tiêu trong xã hội chủ yếu ở phân khúc hàng hóa tiêu dùng thì ở giai đoạn hiện nay, ngay cả hàng thiết yếu cũng được nhiều người, nhiều hộ tính toán chắt bóp lại. Giỏ hàng hóa của các bà nội trợ ngày càng teo tóp. Ngay cả trứng, thịt, rau, trái... tiêu thụ giảm thấy rõ từ nhiều tháng qua. Để kích cầu, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng hầu hết nhà sản xuất đều cố gắng giữ giá hoặc đưa ra các chương trình khuyến mãi tuy nhiên cũng chưa ăn thua. Tồn kho tăng, công suất giảm, sản xuất đình đốn thì lại cắt giảm lao động. Lao động mất việc lại càng thắt lưng buộc bụng... Vòng luẩn quẩn khiến kinh tế khó lại càng khó.
Nói lại bối cảnh để thấy chính sách giảm thuế VAT 2% nói riêng và các chính sách thuế khoan sức dân tại thời điểm này hết sức quan trọng để kích cầu tiêu dùng. Thất nghiệp, thu nhập giảm, nhiều người bị cắt ngày công, trong nhiều gia đình người còn giữ được việc phải gánh người bị sa thải... nên bớt được đồng nào hay đồng đó. Vì vậy, không chỉ giảm 2% VAT cho một số mặt hàng như trước mà nên giảm cho tất cả hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng thuế suất VAT 10% (giảm xuống 8%) để tối ưu hiệu quả của chính sách. Quan trọng hơn, giờ ngành nào cũng khó khăn, mọi cơ hội đều quý giá với người dân và doanh nghiệp nên chọn ngành này, bỏ ngành kia là chưa hợp lý.
Bên cạnh thuế VAT, cần xem xét điều chỉnh ngay mức chiết trừ gia cảnh trong luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã quá lỗi thời hiện nay. Nhìn lại suốt hơn 3 năm kinh tế khó khăn, trong khi doanh nghiệp được hỗ trợ khá nhiều thì người làm công ăn lương - đối tượng đóng góp hơn 70% trong tổng số thu thuế TNCN vẫn mòn mỏi đợi sửa đổi những quy định bất hợp lý hiện hành mà không được cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã lên tiếng về nghịch lý thu nhập không đủ chi trả cuộc sống tối thiểu nhưng vẫn phải đóng thuế TNCN.
Giảm thuế VAT sẽ tác động ngay lập tức đến giá cả hàng hóa trên thị trường; còn điều chỉnh thuế TNCN sẽ cải thiện thu nhập cho hàng triệu người đang đóng thuế... Đấy là giải pháp hiệu quả nhất để kích cầu tiêu dùng. Hàng hóa tiêu thụ được, doanh nghiệp mới sản xuất, hoạt động kinh doanh mới chạy, mới tạo ra dòng tiền, từ đó tạo ra lợi nhuận và đóng thuế ngược trở lại cho ngân sách. Còn chúng ta cứ nâng lên đặt xuống, chưa giảm đã nghĩ tới hụt thu bao nhiêu thì rất khó. Chưa kể thực tế cho thấy, mỗi lần điều chỉnh thuế TNCN là mỗi lần số thu tăng vọt. Điều đó cũng chứng tỏ, hiệu quả của "khoan sức dân" qua việc điều tiết chính sách thuế là rất rõ ràng.
Sức mua cần một cú hích từ chính sách tài khóa, không lúc này, còn đợi đến bao giờ?
Bình luận (0)