Sức mua giảm nhẹ, xe nhập khẩu lấn át mẫu mã lắp ráp trong nước

13/08/2019 10:44 GMT+7

Sau hai tháng liên tiếp duy trì mạch tăng trưởng, thị trường ô tô Việt Nam bất ngờ giảm nhẹ trong tháng 7.2019, trong đó xe nhập khẩu nguyên chiếc với sự xuất hiện các mẫu mã mới đang dần cũng cố lại vị thế, tạo áp lực cạnh tranh lên ô tô lắp ráp trong nước.

Bước sang giai đoạn chuyển giao giữa năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn biến khá thất thường. Đà tăng trưởng “ngắn chẳng tày gang” khi chỉ sau hai tháng, doanh số bán ô tô toàn ngành bất ngờ sụt giảm dù cho hàng loạt mẫu xe mới cùng chương trình ưu đãi, giảm giá bán hàng chục triệu đồng được DN áp dụng.
Thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn biến khá thất thường

Mất nhịp tăng trưởng

Theo số bán hàng liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong tháng 7.2019 tổng doanh số bán hàng của các hãng xe thuộc VAMA chỉ đạt 26.666 xe, giảm 3% tương đương 854 xe so với tháng 6.2019. Trong đó, lượng tiêu thụ ô tô du lịch chiếm 19.394 xe, giảm 4%; xe thương mại chiếm 6.812 xe, giảm 2% so với tháng liền trước. Riêng mảng xe chuyên dụng vẫn duy trì được mạch tăng trưởng với lượng tiêu thụ đạt 460 xe trong tháng 7.2019.
Như vậy, sau 2 giai đoạn đạt mức doanh số khá ổn định (trung bình khoảng 27.500 xe/tháng), thị trường ô tô bất ngờ “hụt hơi” đánh mất nhịp tăng trưởng. Mức sụt giảm không đang kể so với tháng liền trước đó, thậm chí còn tăng khoảng 23% nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, tháng 7.2019 là một trong 3 tháng doanh số bán ô tô trên thị trường đạt mức thấp nhất. Chỉ cao hơn doanh số bán xe trong tháng 2.2019 (đạt 12.435 xe) và tháng 4.2019 (đạt 21.021 xe).
Lượng tiêu thụ ô tô của các thành viên VAMA trong tháng 7.2019 và 7 tháng đầu năm 2019
Sự sụt giảm về doanh số bán trên thị trường ô tô đặt trong bối cảnh có rất nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng được xem là điều bất ngờ. Bởi từ trước đến nay những mẫu mã mới ra mắt, cùng với việc ô tô giảm giá bán, bên cạnh hành loạt chương trình ưu đãi, khuyến mãi từ các đại lý… luôn tạo sức hấp dẫn với khách hàng Việt.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thị trường ô tô trong tháng 7.2019 có thể thấy, việc giá bán một số dòng ô tô giảm mạnh từ vài chục đến cả trăm triệu đồng… khiến không ít khách hàng mang tâm lý hoang mang, lo ngại “ô tô vừa mua” đã mất giá. Bên cạnh đó, tháng 7.2019 là khoảng thời gian cận kề với tháng 8.2019 (trùng với tháng 7 âm lịch) - thời điểm các hãng xe, đại lý sẽ tung ra nhiều chương trình ưu đãi nhằm kích cầu… cũng khiến khách hàng mang tâm lý chờ đợi gia ô tô sẽ tiếp tục giảm sâu. Kịch bản này thực ra không quá xa lạ, bởi đã từng diễn ra trong suốt quảng thời gian của năm 2017.
Cộng dồn doanh số bán 6.601 xe Hyundai của TC Motor lắp ráp phân phối tại Việt Nam cùng với số liệu từ báo cáo bán hàng của VAMA, tổng lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 7.2019 đạt 33.267 xe, giảm 830 xe so với tháng 6.2019.
Xét theo khía cạnh nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Công ty Trường Hải (THACO) dẫn đầu doanh số bán hàng tháng 7.2019 với 7.785 xe, Toyota xếp thứ 2 với 7.375 xe, TC Motor xếp thứ 3 với 6.601 xe các loại. Tuy nhiên, nếu tính theo thương hiệu, xe Toyota vẫn được người Việt ưa chuộng nhất, tiếp theo là Hyundai, Mazda (đạt doanh số 2.846 xe), Honda (đạt doanh số 2.840 xe), KIA (đạt doanh số 1.916 xe) và Mitsubishi (đạt doanh số 1.873 xe)…
Bất chấp nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi được tung ra sức mua ô tô vẫn giảm nhẹ

Ô tô nhập khẩu trở lại mạnh mẽ, áp lực đè nặng xe lắp ráp

Sức mua ô tô sụt giảm nhưng tính cạnh tranh trên thị trường giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và các mẫu mã lắp ráp trong nước đang ngày càng gia tăng. Không còn chấp nhận “lép vế”, “nhường sân” cho mảng kinh doanh ô tô lắp ráp… sự xuất hiện của những mẫu mã mới với màn đổ bộ ồ ạt về số lượng đang góp phần giúp xe nhập khẩu cũng cố vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã nhập khẩu 75.437 ô tô các loại, trị giá gần 1,7 tỷ USD, tăng 511,5% về số lượng và tăng 411,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, gần đạt mức cả năm 2018. Số liệu từ Tổng cục Hải Quan cũng cho thấy riêng tháng 7.2019, cả nước nhập khẩu 13.000 ô tô nguyên chiếc, tăng 18,6% so với tháng trước, tổng trị giá 258 triệu USD.
Biểu đồ so sánh giữa doanh số bán xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong tháng 7.2019
Nguồn cung dồi dào cùng với nhiều mẫu mã mới lần lượt được tung ra thị trường như Honda Brio, Toyota Avanza, Suzuki Ertiga… và hàng loạt xe sang mang thương hiệu BMW đang tạo sức hút với người tiêu dùng. Số liệu từ VAMA cho thấy, tính đến hết tháng 7.2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% trong khi xe nhập khẩu tăng 207% so với cùng kì năm ngoái. Riêng tháng 7.2019, doanh số bán thị trường sụt giảm, lượng xe lắp ráp giảm tới 5%, trong khi xe nhập khẩu chỉ giảm 0,3% so với tháng trước.
Ngoại trừ Trường Hải (THACO), TC Motor… tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm lắp ráp trong nước, các thương hiệu còn lại như Honda, Mitsubishi, Isuzu, Suzuki… đều có tỉ lệ tiêu thụ xe nhập khẩu lớn hơn gấp nhiều lần ô tô lắp ráp trong nước.
Lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu đang tăng trưởng nhanh hơn ô tô lắp ráp trong nước
Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2019 tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam (tính cả TC Motor) đạt 223.364 xe. Trong đó, riêng các thành viên VAMA đạt 180.940 xe, tăng 22% so với cùng kì năm ngoái.
Một số DN kinh doanh ô tô dự báo, trong các tháng tới thị trường ô tô sẽ tiếp tục chững lại, bởi giai đoạn này sức mua sẽ bị ảnh hưởng quan niệm kiêng kị của người Việt trong tháng 7 âm lịch. Bên cạnh đó, sau một loạt sản phẩm mới đã tung ra thị trường, các hãng ô tô thường có xu hướng “để dành” mẫu mã mới cho việc ra mắt, trưng bày tại Triển lãm ô tô Việt Nam 2019 diễn ra vào cuối tháng 10 tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.