Sức mua ô tô trên đà hồi phục, xe lắp ráp trong nước hút khách

12/12/2018 18:49 GMT+7

Nhu cầu mua sắm gia tăng dịp cuối năm giúp sức mua trên thị trường ô tô dần hồi phục, xe lắp ráp trong nước vẫn tạo được sức hút với người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung xe nhập khẩu vẫn chưa ổn định.

Sau nhiều tháng chìm trong cảnh ảm đạm, thị trường ô tô Việt Nam đang hồi phục trong những tháng cuối năm. Sự xuất hiện của những mẫu xe mới cùng với màn đổ bộ của ô tô nhập khẩu đang góp phần kích thích nhu cầu sắm xe hơi của người Việt sau một thời gian dài chờ đợi.
Sức mua ô tô tăng trưởng 6%
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổng lượng tiêu thụ ô tô của các thành viên VAMA trong tháng 11.2018 đạt 30.540 xe các loại, tăng 6% so với tháng 10.2018. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, đây là tháng có tổng lượng xe bán ra nhiều nhất theo số liệu thống kê của VAMA. Trong đó, mức tăng trưởng chủ yếu tập trung ở mảng xe du lịch với doanh số bán đạt 21.718 xe, tăng 2%. Lượng tiêu thụ xe thương mại, xe chuyên dụng giảm lần lượt 18% và 12% so với tháng trước đó.
Lượng tiêu thụ ô tô tại VN qua các tháng của năm 2018
Điều nằm không nằm ngoài dự báo của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, khi càng trôi về những tháng cuối năm, nhu cầu sắm ô tô của người Việt càng gia tăng, đặc biệt là các dòng xe du lịch phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân, gia đình hay kinh doanh dịch vụ.
Trong số các thành viên thuộc VAMA, doanh số bán của Toyota chỉ đạt 7.430 xe, giảm 12% so với tháng 10.2018, trong khi đó tổng lượng tiêu thụ các dòng xe do Trường Hải (THACO) lắp ráp phân phối chỉ đạt 8.861 xe, tăng 8%. Mức tăng trưởng cao nhất đến từ các thương hiệu như Mercedes-Benz đạt 684 xe tăng 88%, Ford đạt 3.466 xe, tăng 36% và Mitsubishi đạt 1.665 xe, tăng 32%.
Nhiều khách hàng có nhu cầu mua xe cuối năm vẫn mang tâm lý chờ các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giá
Theo một chuyên gia trong ngành, thực tế tỉ lệ tăng trưởng của thị trường ô tô trong tháng 11.2018 vẫn ở mức thấp và không được như kỳ vọng của nhiều DN. Điều này, một phần xuất phát từ việc giá bán một số mẫu xe không giảm như chờ đợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng có nhu cầu mua xe cuối năm vẫn mang tâm lý chờ các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giá từ các DN kinh doanh ô tô.
Xe lắp ráp lấn át xe nhập khẩu
Bất chấp sự trở lại của các mẫu xe nhập khẩu, ô tô lắp ráp trong nước vẫn áp đảo về lượng tiêu thụ trong tháng 11.2018. Số liệu bán hàng từ VAMA cho thấy, trong tổng số 30.540 xe bán ra trên thị trường, lượng xe lắp ráp trong nước chiếm 19.028 xe, tăng 8% trong khi lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt 11.512 xe, tăng 2% so với tháng trước. Con số này còn chưa tính đến doanh số bán các dòng xe lắp ráp trong nước của Hyundai Thành Công. Hiện tại, so với xe nhập khẩu, ô tô lắp ráp trong nước đến nay vẫn áp đảo về số lượng mẫu mã, phiên bản phân phối trên thị trường ô tô Việt Nam.
Toyota Vios lắp ráp trong nước đạt doanh số lên tới gần 2.600 xe trong tháng 11.2018
Trong số 10 mẫu ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam tháng 11.2018, có tới 7 mẫu xe lắp ráp trong nước. Riêng mẫu sedan hạng B Toyota Vios lắp ráp trong nước đạt doanh số lên tới gần 2.600 xe, Hyundai Accent đạt gần 1.850 xe, Mazda3 đạt gần 1.650 xe. Trong khi đó, xe nhập khẩu Ford Ranger, Honda CR-V, Toyota Fortuner đạt doanh số trên 1.000 xe, các mẫu xe còn lại đều giảm mạnh về lượng tiêu thụ trong tháng 11.2018.
Cụ thể, sau khi khá thành công trong tháng đầu tiên bán ra thị trường Việt Nam, bước sang tháng 11.2018 doanh số mẫu xe cỡ nhỏ Toyota Wigo nhập khẩu từ Indonesia chỉ đạt 857 xe, giảm gần một nửa so với tháng 10.2018. Doanh số Honda HR-V nhập khẩu từ Thái Lan cũng giảm gần 500 xe, Toyota Avanza giảm 79 xe… so với tháng 10.2018.
Chờ đợi quá lâu, nhiều khách hàng đặt mua xe nhập khẩu rút tiền cọc, hủy hợp đồng, chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước
Điều này một phần xuất phát từ việc nguồn cung một số xe nhập khẩu vẫn chưa thực sự ổn định. Đơn cử như dòng xe CR-V, đại diện Honda Việt Nam cho biết: “Mẫu xe này có lượng đặt hàng rất lớn. Hiện tại, nguồn cung chưa thể đáp ứng nhu cầu của tất cả các khách hàng”. Trường hợp tương tự cũng đang xảy ra với Toyota Rush, Mitsubishi Xpander…Thực tế này, đang khiến xe nhập khẩu mất dần khách hàng khi thời gian đang trôi về những tháng cuối năm. Đã có nhiều trường hợp khách hàng đặt mua xe nhập khẩu, do chờ đợi quá lâu đã rút tiền cọc, hủy hợp đồng, chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước vốn luôn có sẵn.
Đến nay, theo báo cáo của VAMA, tổng sản lượng bán hàng ô tô trên toàn thị trường sau 11 tháng của năm 2018 đạt 253.956 chiếc, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 11% trong khi xe nhập khẩu giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.